Tứ Kỳ hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch

Ngày hội lúa, rươi hữu cơ ở xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) là dịp để người dân địa phương giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đồng thời truyền cảm hứng cho nông dân các vùng, miền trong cả nước về làm nông nghiệp sạch.
0:00 / 0:00
0:00
Các đội thi gặt lúa tại Ngày hội lúa, rươi hữu cơ ở Tứ Kỳ.
Các đội thi gặt lúa tại Ngày hội lúa, rươi hữu cơ ở Tứ Kỳ.

Ngày hội lúa, rươi hữu cơ ở huyện Tứ Kỳ hằng năm được tổ chức vào độ lúa chiêm xuân cho thu hoạch tại vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ thuộc thôn An Định, xã An Thanh. Sự kiện này không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị mà còn cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành nông nghiệp với kinh tế địa phương và khu vực... Trong chương trình Ngày hội lúa, rươi Tứ Kỳ, các đại biểu thưởng thức nhiều tiết mục văn hóa nghệ thuật độc đáo; ký kết văn bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; tham quan các gian hàng bày bán sản phẩm tiêu biểu của huyện, tham quan vùng sản xuất lúa; trải nghiệm hoạt động khai thác rươi, cáy; cổ vũ các hội thi gặt lúa và thi nấu mâm cơm đặc sản.

Tại ngày hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Ngày hội lúa, rươi hữu cơ Tứ Kỳ tuy quy mô không lớn nhưng là một câu chuyện rất giàu cảm xúc và có mục tiêu lớn. Về với ngày hội, mọi người biết đến câu chuyện một vùng đất nhỏ như xã An Thanh xưa kia nghèo khó đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều địa phương khác với phương thức sản xuất khoa học, biến nền nông nghiệp một thời lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ, hóa chất thành nền nông nghiệp xanh, sạch. Tinh thần nhân văn sẽ giúp hạt gạo đi xa, sản phẩm nông nghiệp đi xa, đến được với nhiều người tiêu dùng hơn. Ngày hội lúa, rươi hữu cơ, cách làm nông nghiệp của người dân nơi đây sẽ góp phần tạo ra cuộc cách mạng mới ngay chính trong tâm thức mỗi người về hành động đối với thiên nhiên, sức khỏe con người và thế hệ mai sau.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã An Thanh cho biết: Khai thác rươi, cáy ở vùng bãi ven sông là nghề sinh kế đã có từ lâu đời của không ít hộ dân huyện Tứ Kỳ sống bên dòng sông Thái Bình. Tuy nhiên ngày nay, việc khai thác rươi, cáy từ tự nhiên do nhiều yếu tố không còn hiệu quả. Qua thực tiễn, người dân Tứ Kỳ xác định con rươi, con cáy có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở các cánh đồng trong đê miễn là cung cấp đủ nguồn nước ra vào từ sông lớn. Với mô hình cấy lúa hữu cơ (không sử dụng phân vô cơ và thuốc trừ sâu), tạo môi trường phù hợp để rươi, cáy sinh sống, kết hợp điều tiết nước hợp lý qua các cửa cống, nghề sản xuất rươi, cáy ở xã An Thanh và một số xã trong huyện đã mang lại nguồn lợi cho người dân gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Việc xây dựng, khôi phục và đưa vào sử dụng Cống Sồi, đưa nước vào cánh đồng xã An Thanh năm 2020 với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng đã góp phần mở rộng diện tích khai thác rươi, cáy của xã An Thanh thêm

214 ha về phía trong đồng, nâng tổng diện tích của xã lên 350 ha. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế địa phương. Năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác rươi, cáy xã An Thanh rộng 137 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Đây cũng là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của toàn huyện Tứ Kỳ là 550 ha. Ở các vùng lúa hữu cơ, nông dân chủ yếu cấy các giống ST25, J02, nếp và một số giống lúa chất lượng cao.

Huyện tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, nâng diện tích này lên 700 ha vào năm 2025. Sản lượng rươi hiện đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400-450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với thâm canh vô cơ ■