Tác phẩm "Mưa đỏ" bước vào điện ảnh

NDO - "Mưa đỏ" là dự án có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm trở lại đây. Kịch bản phim truyện điện ảnh này được viết bởi nhà văn Chu Lai - một tác giả giàu kinh nghiệm viết về chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
"Mưa đỏ" là dự án lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân.
"Mưa đỏ" là dự án lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Đây là dự án phim hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025), Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025) và các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội năm 2025.

Đạo diễn phim là NSƯT Đặng Thái Huyền - người đã khẳng định tên tuổi qua nhiều bộ phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân về đề tài chiến tranh và hậu chiến, như: Người trở về, Mười ba bến nước, Vũ khúc ánh trăng, Đất lành, Nơi ta không thuộc về…

Tác phẩm "Mưa đỏ" bước vào điện ảnh ảnh 2

NSƯT Đặng Thái Huyền - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân là đạo diễn phim "Mưa đỏ".

"Mưa đỏ" phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cuộc đấu trí của chúng ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; tố cáo tội ác chiến tranh; ca ngợi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Bộ phim cũng lấp lánh những nét đẹp của tình đồng đội, đồng chí, tình cảm thiêng liêng về gia đình, sự lãng mạn trong tình yêu lứa đôi.

Điện ảnh Quân đội nhân dân là đơn vị đi đầu trong việc sản xuất các bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến, trong đó nhiều bộ phim có quy mô lớn, chủ đề tư tưởng sâu sắc, như: Hoa ban đỏ, Tiếng cồng định mệnh, Người trở về, Khúc mưa…

Tác phẩm "Mưa đỏ" bước vào điện ảnh ảnh 3

Sa bàn bối cảnh Thành cổ Quảng Trị được dựng trên tỷ lệ 1:72.

Đặc biệt hơn so với các bộ phim trên, "Mưa đỏ" là bộ phim chiến tranh có quy mô lớn nhất của đơn vị trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, đây là dự án phim truyện điện ảnh đầu tiên được đơn vị đầu tư xây dựng, phục dựng bối cảnh trên phim trường với diện tích gần 50ha.

Quá trình làm phim huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cảnh quay; số lượng nhân sự tham gia đoàn phim lên tới hàng ngàn người.

Tác phẩm "Mưa đỏ" bước vào điện ảnh ảnh 4

Diễn viên Phạm Thanh Long tại buổi casting phim "Mưa đỏ".

Với mong muốn tìm kiếm những gương mặt diễn viên phù hợp để cùng ê-kíp mang đến cho khán giả những thước phim sinh động, chân thực nơi chiến trường thông qua ngôn ngữ điện ảnh, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã tổ chức buổi tuyển chọn diễn viên cho bộ phim.

Ngay sau khi đơn vị công bố thông tin, "Mưa đỏ" đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các diễn viên trẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với dòng phim về đề tài chiến tranh.

Thử sức trong vai nhân vật của phim "Mưa đỏ", Phạm Thanh Long - diễn viên sân khấu Lệ Ngọc cũng như nhiều gương mặt trẻ khác cảm thấy rất thích thú, vinh dự và tự hào khi được hóa thân thành những chiến sĩ tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa.

Để tham dự buổi tuyển chọn diễn viên, Long đã dành nhiều thời gian để xem các bộ phim chiến tranh và trau dồi diễn xuất. Thanh Long hy vọng mình sẽ trở thành một diễn viên của bộ phim này để phát triển bản thân và thỏa mãn niềm đam mê lịch sử.

Tác phẩm "Mưa đỏ" bước vào điện ảnh ảnh 5

Diễn viên Lâm Đặng Minh (phải) - Đoàn văn công Bộ đội Biên Phòng hồi hộp thử vai.

Có mặt từ sớm để tập thoại, nữ diễn viên Lâm Đặng Minh - Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng hay Đoàn Công Hoàn - Sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh rất tự hào khi thử thách với vai diễn trong dự án phim. Các diễn viên trẻ mong muốn có thể sống trọn vẹn với nhân vật, hiểu được những nỗi đau, mất mát của cuộc chiến, hơn hết hiểu được giá trị của hòa bình.

Đạo diễn - NSƯT Đặng Thái Huyền chia sẻ: "Chủ trương của Điện ảnh Quân đội nhân dân không chỉ tìm kiếm những gương mặt ngôi sao mà thông qua đó, chúng tôi mong muốn tái hiện được trọn vẹn hình ảnh người lính, người chiến sĩ đã hy sinh gian khổ, hy sinh tuổi trẻ, tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ nền độc lập dân tộc".

"Mưa đỏ" có thời lượng từ 110 đến 120 phút, dự kiến thời gian triển khai thực hiện và hoàn thành bộ phim từ tháng 4/2024 đến tháng 7/2025.

Bối cảnh phim phần lớn được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị; một số điểm ở tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Hà Nội và Paris, Cộng hòa Pháp.