Tự hào là nơi sinh thành Báo Nhân Dân

NDO -

Từ rất sớm, nhận rõ thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chuẩn bị  mọi  mặt  cho cuộc kháng chiến khó tránh khỏi.

Khu di tích Hội trường Đại hội lần thứ II của Đảng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.
Khu di tích Hội trường Đại hội lần thứ II của Đảng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Trước khi về Hà Nội, Người  giao cho  đồng chí Phạm Văn Đồng ở lại củng cố căn cứ địa Tân Trào. Không lâu sau,  đồng chí Nguyễn Lương Bằng, rồi đồng chí Trần Đăng Ninh cùng Đội công tác đặc biệt làm nhiệm vụ xây dựng An toàn khu (gọi tắt là ATK), gồm ba huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa thuộc Tuyên Quang và một số huyện liền kề; đồng thời vận chuyển lên ATK những vật tư chiến lược, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc, trong đó có máy in báo, máy in tiền. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Trung ương Mặt trận, đoàn thể, cơ sở sản xuất, xưởng quân giới, trường đại học… dần tập kết lên Tuyên Quang.

Nhằm bảo đảm bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tất cả các cơ quan, đơn vị di chuyển qua nhiều nơi trên đất Tuyên Quang. Tuyên Quang được gọi là Thủ đô kháng chiến là vì thế. Từ đây, đường lối, chủ trương, chính sách đưa kháng chiến đến thắng lợi của Trung ương Đảng, Chính phủ đều được bàn thảo, quyết định và ban hành. Từ Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc và Liên Xô nhằm mở rộng quan hệ ngoại giao; chỉ đạo đàm phán ký kết hiệp nghị  Giơnevơ...  Những chiến dịch quân sự lớn được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tại Thủ đô kháng chiến: Chiến dịch Việt Bắc,  chiến dịch Biên giới, chiến dịch Trung du, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ. Những sự kiện chính trị lớn tổ chức trên địa bàn Tuyên Quang: Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt quyết định lập Mặt trận thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên - Việt;  Hội nghị Liên minh Việt - Miên - Lào ra quyết định thành lập Ủy ban liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào; Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5-1952). Tháng 2-1951,  Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II - sự kiện chính trị hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến tổ chức tại xã Vinh Quang - nay là xã Kim Bình - huyện Chiêm Hóa.                               

Chủ trương xuất bản Báo Nhân Dân được Bộ Chính trị và Bác Hồ quyết định ngay trong những ngày Đại hội đang làm việc. Vì thế có thể nói, trái tim, khối óc của báo Nhân Dân - Tờ báo lớn nhất của Đảng ta -  đã ra đời trên đất Tuyên Quang trong thời gian đặc biệt của lịch sử là Đại hội Đảng lần thứ II. Ngày đó, Chủ  tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, Tổng Biên tập  Hoàng Tùng, các nhà báo: Thép Mới, Quang Đạm… đều  đang hoạt động tại Thủ đô kháng chiến. 

Báo Nhân Dân được sắp chữ, lên khuôn, in ấn tại Nhà in Việt Hưng. Nhà in này đặt ở triền tây chân Đèo Khế, phía Tuyên Quang.  Từ những bước đi ban đầu ấy, Báo Nhân Dân dần trở thành tờ báo khuôn khổ cân đối,  tin, bài, hình ảnh, rõ ràng, như chàng trai sức vóc, vững vàng  đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng.                                                                                    

Ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân xuất bản số đầu, từ trạm quân bưu đặt tại Sơn Dương (Tuyên Quang) báo được chuyển ra mặt trận, chuyển đến mọi miền đất nước.  

Từ đó đến khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, mọi công đoạn biên tập, in ấn, xuất bản, phát hành tất cả được thực hiện tại Thủ đô kháng chiến.

Nhân kỷ niệm 70 năm Báo Nhân Dân ra đời, tôi  tìm gặp, hỏi chuyện cụ Ma Văn Dần, người được thấy số 1 Báo Nhân Dân. Sau này, Cụ Dần làm Bí thư Huyện ủy Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Cụ Ma Văn Dần, người dân tộc Tày,  ở tuổi 93, đi đứng nhanh nhẹn, giọng vang, tai thính. Khi được hỏi chuyện về tờ Báo Nhân Dân số đầu tiên, mắt cụ sáng sáng lên như không có dấu vết của tuổi già.  Cụ cho biết, đó là lần đầu tiên được thấy hình ảnh của Bác Hồ in trên trang nhất Báo Nhân Dân số 1. Ngày ấy mọi người gọi là Hồ Chủ tịch, hô khẩu hiệu là Hồ Chủ tịch muôn năm!  Khổ báo không lớn, chỉ bằng tờ báo bây giờ gấp lại. Lúc đó, đã  là đảng viên, nhưng trình độ văn hóa thấp nên có được tờ báo rồi phải cử người đọc và giải thích những bài viết trên báo cho nhau cùng nghe và cùng học tập như Chính cương, Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam.

- Cụ còn giữ được số báo ấy không? Tôi hỏi.

- Không giữ được. Cụ Dần trả lời. Ngày ấy, báo không nhiều, mỗi đơn vị có một tờ thôi, chỉ chuyển đến cho cấp trên để rồi tổ chức tuyên truyền xuống cho anh em trong các buổi sinh hoạt đơn vị. Rồi vẫn  với giọng vang, dõng dạc cụ Dần nói: Trong quá  trình công tác chúng tôi luôn chăm chỉ đọc báo Đảng. Khi làm Bí thư Huyện ủy Yên Sơn, tôi luôn yêu cầu các chi bộ, đảng bộ trong huyện phải mua Báo Nhân Dân. Mua không phải cất vào tủ, mua phải đọc, thấy nơi nào có cách làm hay đăng trên báo phải nghiên cứu kỹ, tổ chức làm theo. Phải theo nhưng cũng phải thí điểm, chắc ăn rồi mới làm ở nhiều xã, rộng ra cả huyện. Mỗi khi đi cơ sở, cùng với kiểm tra các mặc công tác sản xuất,  văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, công tác sinh hoạt chi bộ, còn kiểm tra xem cấp ủy viên có đọc báo Đảng hay không. Có lần tôi hỏi một đồng chí Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch xã câu hỏi: Đồng chí có thường xuyên đọc Báo Nhân Dân không. Đồng chí đó nhanh nhảu trả lời là có. Bất ngờ tôi hỏi: “Thế đồng chí Tổng Biên tập tên là gì?”.  Báo cáo Bí thư, em đọc báo nhưng không thấy in tên Tổng Biên tập ạ. Tôi bảo đồng chí đó lấy báo ra. Khi đồng chí đó mở tủ, thấy tập báo dày xếp ngay ngắn. Tôi dở trang cuối chỉ vào những dòng cuối nói: Báo nào cũng in đầy đủ họ tên Tổng Biên tập, lần này thì nhắc nhở nhé, lần sau thì kỷ luật.  Đồng chí nhận lỗi đã nói dối. Không chỉ dối cấp trên mà khuyết điểm to là không học tập, không đọc báo Đảng.

Báo Nhân Dân ra đời trên quê hương Thủ đô kháng chiến trong những ngày lịch sử của đất nước, của Đảng là Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại hội đầu tiên của Đảng ta ở trong nước. Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của mình, Báo Nhân Dân ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, xứng đáng là lá cờ đầu trên mặt trận tư tưởng của Đảng, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Kỷ niệm 70 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu