“Tại tầng 1 cầu Thăng Long, cho phép tàu hỏa lưu thông qua cầu với tốc độ bằng hoặc thấp hơn 5 km/giờ trong thời gian sửa chữa; còn mô-tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng ĐBVN cho hay.
Ông Huyện cũng đề nghị các Sở GTVT và Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam thông báo cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vận tải, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh, thành phố về thời gian và lộ trình phân luồng tổ chức bảo đảm giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long để có kế hoạch điều chỉnh thời gian, luồng tuyến lưu thông vận chuyển hành khách và hàng hóa cho phù hợp.
Tổng cục ĐBVN đã lên phương án phân luồng giao thông từ xa các phương tiện từ các tỉnh về Hà Nội qua cầu Thăng Long hoặc các phương tiện đi/đến khu vực hai đầu cầu Thăng Long bằng các tuyến đường tránh.
Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nhu cầu, đời sống dân sinh tại khu vực phía nam cầu Thăng Long và phù hợp Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 21-1-2013 của UBND Thành phố Hà Nội, cho phép xe tải 2,5 tấn đến 10 tấn lưu thông ngoài giờ cao điểm trên đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - cầu Nhật Tân và ngược lại; cấm xe tải từ 10 tấn trở lên, xe chở container, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ-mooc, xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn... hoạt động trên tuyến đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - cầu Nhật Tân.
Đối với xe khách tuyến cố định có điểm đi, đến bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt có lộ trình đi qua cầu Thăng Long, lộ trình lưu thông theo phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Tổng cục ĐBVN đã được UBND TP Hà Nội thống nhất và Bộ GTVT chấp thuận.
Đối với các phương tiện xe hợp đồng chở công nhân có lộ trình qua cầu Thăng Long và ngược lại, chuyển hướng đi theo hướng Phạm Văn Đồng, đường Đỗ Nhuận, đường DT1, (Khu đô thị tây Hồ Tây - Ngoại giao đoàn) sang đường Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân và ngược lại.