Đây là lần thứ năm Hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, tính từ năm 2016 đến nay.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động và nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm. Tính đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là gần 15,1 triệu người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.
Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong đó có công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả nhất định. Số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình… được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải, phát sóng về lĩnh vực này tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2021 có 31.300 tin, bài, phóng sự, tăng gấp 2,4 so với năm 2019 và tăng 1,9 lần so với năm 2020. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, ước đã có khoảng 9.500 tin, bài, phóng sự được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng (trung bình mỗi ngày có 63 tin, bài, phóng sự).
Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác truyền thông của ngành, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho rằng, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí thời gian qua đã góp phần giúp công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí đã tích cực phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến quyền lợi, tâm lý của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các sản phẩm báo chí, góp phần hiệu quả cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và người lao động.
Tại hội nghị, các đại biểu, nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã được nghe các diễn giả trình bày 6 chuyên đề. Với chuyên đề "Hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế bảo đảm quyền lợi của người tham gia và sự phát triển bền vững của Quỹ Bảo hiểm y tế", Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đã khái quát những thành tựu nổi bật trong việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế tại nước ta. Theo đó, tỷ lệ bao phủ tăng mạnh qua các năm, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Năm 2021, cả nước có 37 tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90% dân số; gần 60% số người tham gia bảo hiểm y tế của cả nước là do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ. Để bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, số cơ sở có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng hằng năm (riêng năm 2021 có 2.639 cơ sở).
Từ thực tiễn triển khai tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho thấy, để duy trì tỷ lệ tham gia và bao phủ bảo hiểm y tế đối với gần 10% dân số còn lại, ông Phạm Lương Sơn đưa ra một số giải pháp như: Ngân sách nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương giữ vai trò bổ sung trong việc đóng bảo hiểm y tế cho nhóm dễ bị tổn thương, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ nhóm thân nhân người lao động thuộc khu vực phi chính thức tham gia;… với lộ trình trợ cấp, hỗ trợ phải bảo đảm tính ổn định. Thực hiện cơ chế tham gia bảo hiểm y tế mới, như: người lao động có thu nhập ổn định đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân. Đồng thời, cần có chế tài nghiêm khắc, quy định mức đóng bảo hiểm y tế cao hơn hoặc truy thu tiền đóng bảo hiểm y tế đối với thời gian trốn đóng hoặc chậm tham gia bảo hiểm y tế với tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia…
Với chuyên đề "Một số nội dung của dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia", ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), thông tin tới các đại biểu về dự kiến một số nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trong đó, đáng lưu ý là một số đề xuất như: Bổ sung quy định trợ cấp đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng nếu không nhận bảo hiểm xã hội một lần theo hướng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn. Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng (như: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian).
Tăng mức hỗ trợ đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật cũng đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn có thời gian tham gia ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Thông qua các chuyên đề của báo cáo viên, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã cùng trao đổi, thảo luận sâu xoay quanh các chuyên đề của Hội nghị. Đồng thời, họ đóng góp ý kiến, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác phối hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vì mục tiêu tạo sự đồng thuận trong tổ chức, thực hiện chính sách, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…