Truyền cảm hứng cho học sinh miền biên viễn

Ở tuổi 40, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng vẫn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết. Vừa dạy học, cô vừa truyền cảm hứng cho học sinh con em người dân tộc thiểu số nơi miền biên viễn của Tổ quốc sống đẹp và thêm yêu tiếng Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng chăm chút từng nét chữ, lời nói cho học sinh lớp 1 Trường tiểu học và THCS Hướng Việt.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng chăm chút từng nét chữ, lời nói cho học sinh lớp 1 Trường tiểu học và THCS Hướng Việt.

Tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khi cô cùng một số người bạn đang gửi tiền ủng hộ đồng bào miền bắc gặp thiên tai hoạn nạn do bão số 3. Ở miền biên viễn ấy, thầy cô và học sinh của trường cũng hướng về miền bắc ruột thịt với việc làm kịp thời, ý nghĩa.

Sáng tạo mô hình “bán trú dân nuôi”

Cô Thúy Phụng kể, khi mới tốt nghiệp đại học, với năng lực của mình, cô có thể tìm được việc dạy học ở đồng bằng. Nhưng cô muốn xông pha, dấn thân, tìm đến nơi khó khăn nhất để thử thách. Tình cờ, tỉnh Quảng Trị tuyển giáo viên tình nguyện lên công tác vùng sâu, vùng xa, biên giới, thế là cô xung phong lên xã Hướng Phùng xa xôi để dạy học. Ngày cô thông báo cho gia đình đã nhận quyết định đến dạy học ở Trường tiểu học Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa, ba mẹ cô đành nuốt nước mắt động viên con dù sống và làm việc ở đâu, nhớ vun đắp tình người và hết lòng tận tụy.

Thời gian đầu dạy học ở điểm trường lẻ thôn Cợp, cô bất ngờ về sự chênh lệch điều kiện sống và học tập giữa học sinh đồng bằng và miền núi. Học sinh hồi ấy gần như đi chân trần, tay không đến trường, áo quần không lành lặn, mặt mũi lấm lem. Các em đến lớp còn không mang sách vở, bút thước.

Nhưng cô hiểu, nếu được học hành đàng hoàng, mai này các em sẽ là tương lai của bản làng, có thêm điều kiện để bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc.

Dạy học ở thôn Cợp một thời gian, cô thấy mình vẫn may mắn hơn các thầy, cô giáo khác, vì đường từ thôn Cợp về trường chính chưa phải là quá xa. Thế là cô tình nguyện đến dạy học ở điểm trường lẻ thuộc thôn Cheng, hy vọng làm được một điều gì đó giúp học sinh. Tại đây cô được phân công dạy lớp 1. Địa hình ở đây rất rộng, học sinh, nhất là lớp 1 rất ngại đi lại xa xôi, đường đến trường len lỏi giữa núi rừng nguy hiểm khôn lường.

Hồi ấy học sinh lớp 1 mỗi ngày chỉ học một buổi sáng, buổi còn lại được nghỉ. Không thể trông coi con vào buổi chiều, phụ huynh thường đem theo con lên nương rẫy để tiện chăm sóc. Còn học sinh được nghỉ học lên rẫy vui hơn nên những ngày sau không muốn đi học nữa, dẫn đến tỷ lệ học sinh đến lớp giảm dần.

Truyền cảm hứng cho học sinh miền biên viễn ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng (thứ tư từ trái qua) mua tặng 2.422 quyển sách cho học sinh.

Sau những trăn trở, suy nghĩ, cô chỉ ra điểm cần tháo gỡ là phải làm sao để cho học sinh lớp 1 được học ngày hai buổi tại trường. Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều các em được chính cô Thúy Phụng phụ đạo củng cố kiến thức, khi nắm vững kiến thức thì các em sẽ siêng đi học; không theo ba mẹ lên rẫy nữa. Thách thức đặt ra là bữa cơm trưa cho các em.

Được sự đồng ý của nhà trường, cô tìm đến từng nhà dân, phân tích cho phụ huynh hiểu, học sinh mới vào lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ, nên phụ huynh cần phối hợp với giáo viên để các em học hành được tốt hơn, đề nghị phụ huynh cho con em được ở lại buổi trưa để học phụ đạo miễn phí buổi chiều do cô Thúy Phụng dạy.

Cơm và thức ăn phụ huynh lo liệu, cô giáo giúp đỡ một phần. Lần đầu tiên được nghe những lời tâm sự chân tình, trách nhiệm, các phụ huynh đồng ý. Từ đây, tại điểm trường thôn Cheng, cô Thúy Phụng cho ra đời mô hình “bán trú dân nuôi”. Cô vận động các nhà hảo tâm xin hỗ trợ gạo, kinh phí mua sách vở cho học sinh.

Mặc dù tất cả phụ huynh đồng ý nhưng hôm sau đến trường chỉ có bảy em mang cơm theo cho bữa trưa. Không nản lòng, cô tiếp tục giải thích hiệu quả của việc học sinh ở lại buổi trưa tại lớp, cô chăm sóc, buổi chiều học sinh sẽ được học thêm miễn phí tiếng Việt nên hiểu bài tốt hơn. Như mưa dầm thấm lâu, cuối cùng phụ huynh đã hiểu được lòng tốt của cô giáo, cho các con ở lại học buổi chiều. Chỉ mấy tháng sau mô hình được triển khai, học sinh lớp 1 đã biết đọc, biết viết trong sự hạnh phúc của cô giáo, học sinh và phụ huynh người dân tộc thiểu số. Các năm tiếp theo, thầy, cô giáo tiếp tục mô hình này tại thôn Cheng.

Tình nguyện đến dạy học ở ngôi trường xa hơn

Lần này, cô Thúy Phụng lại được nhà trường chuyển đến điểm trường lẻ thôn Chênh Vênh để nhân rộng mô hình “bán trú dân nuôi”. Cũng như trước, cô phải đến từng nhà vận động phụ huynh đồng ý cho con ở lại trường để tiếp tục học miễn phí thêm buổi chiều. Chị Hồ Thị Linh không giấu nổi niềm vui khi thấy con gái Hồ Thị Van được cô giáo dạy cho ngày càng tiến bộ.

Không chỉ con gái của chị, nhiều học sinh khác rất thích được đến lớp mỗi ngày, học xong lớp 1 đã nói, viết tiếng Việt mạch lạc. Nhưng khổ nỗi không phải em nào cũng được ba mẹ cho cơm mang theo đầy đủ các buổi trưa. Thế là cô chia sẻ tiền lương của mình để mua gạo nấu cơm trưa cho các em. Cô và trò chia nhau tháng lương của giáo viên để sống, cô ăn gì, trò ăn nấy, nghèo khổ nhưng đong đầy yêu thương.

Từ mô hình “bán trú dân nuôi” đầu tiên của cô Thúy Phụng mở ra, Trường tiểu học Hướng Phùng có ba điểm trường đều thực hiện được mô hình này với tất cả học sinh lớp 1. Số học sinh lớp 1 bỏ học ngày càng giảm, tỷ lệ học sinh biết đọc, viết tiếng Việt tốt ngày càng tăng cao. Từ đó, mô hình “bán trú dân nuôi” được nhân rộng trên địa bàn huyện.

Tỉnh Quảng Trị hồi đó có quy định, giáo viên nào có thời gian công tác đủ 5 năm ở miền núi, nếu có mong muốn sẽ được xem xét cho về đồng bằng dạy học. Với những cống hiến nổi bật, có lẽ không ít người sẽ xin về đồng bằng dạy học để được gần gia đình. Cô Thúy Phụng không nghĩ riêng cho bản thân, lần này cô xung phong vào dạy học ở Trường tiểu học-trung học cơ sở Hướng Việt, nơi biên cương Tổ quốc, ngay đường biên giới với nước bạn Lào. Đây là một trong hai ngôi trường xa nhất của huyện miền núi Hướng Hóa.

Tại đây, cô tổ chức mô hình “bán trú dân nuôi” cho ba khối 1, 2 và 3 với nhiều lớp học. Ngôi trường nơi cô đang công tác có toàn bộ học sinh là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, kinh tế gia đình eo hẹp nên các em đến lớp luôn thiếu sách vở, bữa ăn trưa, áo quần. Đa số tiền ăn cơm trưa của học sinh cô Thúy Phụng được các thầy, cô giáo khác cùng hỗ trợ. Cô kêu gọi, đi xin từ phích nước, thực phẩm, mì ăn liền đến chăn màn, sạp ngủ… để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho học sinh bán trú.

Truyền cảm hứng cho học sinh miền biên viễn ảnh 2

Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng luôn truyền cảm hứng cho học sinh biết sống chia sẻ, yêu thương.

Cô uốn nắn học sinh từng hành động, cử chỉ. Trong từng bữa ăn, cô dạy học sinh nên biết chia sẻ từng bát cơm, miếng thức ăn. Bạn nào cảm thấy mình ăn ít thì trước lúc bưng bát lên ăn nên chia sẻ lại một phần cho bạn có sức ăn khỏe hơn để bạn cũng được ăn no và khỏi bị thừa cơm, uổng phí. Giữa bữa ăn, đã múc canh thì bỏ đũa xuống mâm, không nên cầm cùng lúc vừa đũa vừa thìa. Những lời dạy về kỹ năng sống của cô dành cho học sinh thẩm thấu từng ngày, làm cho các em hình thành thói quen văn hóa trong sinh hoạt. Đến năm học này, mô hình “bán trú dân nuôi” tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Hướng Việt được cô khởi xướng đã bước qua năm thứ bảy.

Kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, người dân không đủ tiền trang bị sách giáo khoa vào đầu năm học cho con em. Mỗi lớp chỉ có vài học sinh có sách giáo khoa mới. Vì thế, từ nhiều năm qua, cứ đầu năm học, cô lại kêu gọi các nhà hảo tâm trang cấp sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh. Đáng trân trọng hơn, cô đã sử dụng số tiền mình gom góp, tích trữ từ lương hằng tháng mua tặng 2.200 quyển sách giáo khoa, đồ dùng học tập năm học 2023-2024 cho các em.

Kể từ khi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng trường, cô càng nặng trách nhiệm hơn. Thấy nhà trường thiếu nước sinh hoạt, vào tháng 5/2023, cô còn tặng trường một giếng khoan lấy nước sinh hoạt và bể lọc nước trị giá 25 triệu đồng; đồng thời kết nối để tặng trường một giếng khoan khác trị giá 25 triệu đồng. Năm học mới 2024-2025 này, cô lại vận động các nhà hảo tâm và rút số tiền mình dành dụm ra mua tặng 2.422 quyển sách giáo khoa và đồ dụng học tập.

Cô Thúy Phụng chia sẻ, với mô hình “bán trú dân nuôi” học sinh lớp 1 được chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận, các em biết đọc, viết tiếng Việt, biết làm Toán, khi lên các lớp trên việc dạy học được nhẹ nhàng hơn. Do đó mô hình này chỉ cần tổ chức dạy lớp 1 là phù hợp trong tình hình mới. Năm nay trường của cô chỉ tổ chức dạy mô hình này cho học sinh khối 1, vừa phù hợp với điều kiện của phụ huynh và cơ sở vật chất nhà trường.

Các em học sinh lớp 1 vẫn cần học theo mô hình “bán trú dân nuôi” để sớm nắm vững kiến thức. Có kinh nghiệm tổ chức dạy học và nhiều mối quan hệ tốt nên cô đã vận động xin cho học sinh từ chiếc cà mèn bới cơm đến gạo để ăn, sách vở đầy đủ để học; áo quần đồng phục đến trường sạch đẹp; áo ấm mùa đông; có phòng máy tính để học, thư viện được bổ sung thêm đầu sách mới thay cho những quyển sách bị lũ làm hư hỏng…

Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Hướng Việt Nguyễn Văn Tý tự hào, với tình yêu thương vô hạn đối với học sinh, dù ở vị trí công tác nào cô Thúy Phụng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô không chỉ là quản lý có trách nhiệm, còn có nhiều hoạt động thiện nguyện hiệu quả được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh quý mến. Để lại gia đình, con cái ở đồng bằng, gần 20 năm dạy học ở miền biên viễn, “gia tài” lớn nhất mà cô vun đắp nên là kết quả học tập ngày càng tiến bộ của các học sinh người dân tộc thiểu số.