Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh (Bình Dương) có nguy cơ bị đóng cửa

Từng đoạt giải Kiến trúc châu Á và giải nhì World Architecture News (WAN) của Hoa Kỳ năm 2012, với cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên tâm huyết nhưng Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Vì sao?

Khuôn viên Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh.
Khuôn viên Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh.

Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế, là ngôi trường đầu tiên đoạt giải thưởng Kiến trúc xanh châu Á và giải nhì WAN của Hoa Kỳ. Ngôi trường được thiết kế với không gian xanh, gần gũi thiên nhiên, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Các phòng học tràn đầy ánh sáng và gió mát, phù hợp từng độ tuổi. Cạnh các phòng học là phòng chức năng, khu giải trí, phòng chăm sóc sức khỏe, hồ bơi, sân bóng đá, khu học sinh ở bán trú và nội trú.

Trường khang trang, tiện nghi, hiện đại là thế, học phí phải chăng, lại có chính sách hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhưng việc tuyển sinh vẫn không đủ chỉ tiêu. Với 24 phòng học, đủ chỗ cho 840 học sinh (35 em/lớp), nhưng hiện chỉ có 12 lớp học, còn một nửa vẫn bỏ trống. Thầy giáo Trương Văn Phước, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ ngày thành thành lập đến nay, năm nào gần mùa tuyển sinh chúng tôi cũng hồi hộp, vì sĩ số "năm trồi, năm sụt" không ổn định, thậm chí tăng ít, giảm nhiều. Năm học đầu tiên (2010 - 2011), trường tuyển sinh được 170 em (cả hai cấp, bằng 1/4 chỉ tiêu); sang đến năm 2011 - 2012, số đăng ký giảm mạnh, còn 130 học sinh; niên khóa 2012 - 2013 chỉ tuyển được 160 em; năm học 2013 - 2014 có khá hơn, khoảng 230 học sinh và đến nay thì dừng ở con số 250 học sinh, trong đó có 14 em ở nội trú. Hôm chúng tôi đến, nhìn các lớp học lèo tèo, có lớp chỉ 17 hoặc 18 em. Trong khi đó, cách độ trăm bước chân là hai trường công lập THPT và THCS Dĩ An (thị xã Dĩ An) "đầy ắp" học sinh, năm nào cũng quá tải, nhiều lớp phải chấp nhận sĩ số từ 45 đến 50 em/lớp.

Lý giải điều này, thầy Trương Văn Phước cho rằng, hệ thống trường công ở Bình Dương tốt, vì vậy học sinh bị hút hết vào đó. Dù Trường Phan Chu Trinh đã nỗ lực quảng bá, cải thiện đường vào, nhưng do chưa có thương hiệu như Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhậm..., lại nằm sát TP Hồ Chí Minh, vì vậy vẫn khó tuyển sinh. Dù ít học sinh, nhưng trường vẫn tổ chức dạy tốt và học tốt. Vài năm gần đây, lứa học sinh THPT tốt nghiệp đạt 100%. Trường cũng chu cấp học bổng Vừ A Dính cho năm học sinh là người dân tộc thiểu số ở Bình Phước. Thế nhưng, do số học sinh quá ít, doanh thu hạn hẹp, chi phí cho quản lý, trả lương phải tằn tiện mới đủ. Trong khi khoản nợ hàng chục tỷ đồng cộng với lãi vay ngày một lớn, vì vậy khó tránh khỏi nguy cơ ngôi trường phải đóng cửa.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Dương Thế Phương cho biết: Sở đã tạo mọi điều kiện để trường hoạt động, nhưng do đầu tư quá lớn, vốn tự có không nhiều, lại tuyển được ít học sinh, vì vậy trang trải còn không đủ, nói gì đến trả nợ. Ðể đầu tư xây dựng ngôi trường đoạt giải kiến trúc này, Công ty CP Khai Minh đã đầu tư 126 tỷ đồng (vốn góp của các cổ đông là 26 tỷ đồng). Trước khi dự án được phê duyệt, tháng 4-2009, quỹ Ðầu tư phát triển (ÐTPT) tỉnh Bình Dương đã tiến hành thẩm định và cam kết cho vay 60 tỷ đồng, trong 15 năm, lãi suất 7%/năm, thời gian ân hạn 5 năm. Ðến đầu tháng 9-2009, quỹ này ký văn bản "điều chỉnh mức vốn cho vay" xuống 58 tỷ đồng, thời hạn và lãi suất vay không đổi. Chỉ ba tháng sau, tháng 12-2009, cơ quan này lại ký văn bản điều chỉnh số tiền cho vay còn 43 tỷ đồng, thời gian vay rút xuống 10 năm, ân hạn chỉ còn hai năm, nhưng lãi vay thì tăng lên 9%/năm. Như vậy, chỉ trong vòng chín tháng, Quỹ ÐTPT đã đơn phương ba lần thay đổi, số tiền cho vay giảm đi 17 tỷ đồng, thời gian vay giảm đi 5 năm, nhưng lãi suất lại tăng thêm 2%/năm. Với những thay đổi này, Quỹ ÐTPT "vô tình đẩy nhà đầu tư" vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, vì công trình đang xây dựng dở dang, mọi người đã góp vốn, không thể dừng lại.

Giám đốc Quỹ ÐTPT tỉnh Bình Dương Lê Văn Thành, cho rằng, việc cho Công ty CP Khai Minh vay 43 tỷ đồng với lãi suất cố định 9%/năm, lại có ân hạn vào thời điểm đó là đã rất thấp, so với mặt bằng chung. Những khó khăn của Trường Phan Chu Trinh về tuyển sinh và không có tiền trả nợ và lãi vay thì quỹ cũng chia sẻ. Nhưng từ năm 2009 đến nay, tính Công ty CP Khai Minh mới trả cho quỹ ÐTPT cả vốn lẫn lãi khoảng sáu tỷ đồng, nên phải nhờ tòa phân xử. Qua hai phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm, tháng 4-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên buộc Công ty CP Khai Minh phải trả 46,77 tỷ đồng cho Quỹ ÐTPT. Công ty này kháng cáo và sự việc nhùng nhằng từ đó đến nay, chưa thể giải quyết dứt điểm.

Theo Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An, hiện cơ quan này đã hoàn tất thủ tục để chuyển các tài sản của Trường Phan Chu Trinh qua Trung tâm Bán đấu giá. Ðiều đó có nghĩa, việc đóng cửa ngôi trường này chỉ còn thời gian.

Nếu Trường Phan Chu Trinh đóng cửa, toàn bộ 250 học sinh các cấp sẽ được chuyển đến các trường khác trong tỉnh. Em nào đang học THPT sẽ chuyển qua Trường Ðức Trí (ngoài công lập), còn lại cấp THCS sẽ sắp xếp học tại các trường công lập trên địa bàn thị xã.

NGUYỄN VĂN THUẬN

Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Dương