Trường cao đẳng chất lượng cao có quy mô đào tạo tối thiểu 1.500 học viên

NDO -

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, một trong những tiêu chuẩn của trường cao đẳng chất lượng cao là cần có quy mô đào tạo tối thiểu 1.500 học sinh, sinh viên

Đào tạo tại Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Ảnh: Lilama2).
Đào tạo tại Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Ảnh: Lilama2).

Năm tiêu chí cho trường cao đẳng chất lượng cao

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Thông tư quy định chi tiết tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao. 

Đối tượng áp dụng là trường cao đẳng thuộc các loại hình công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là trường); không áp dụng đối với trường cao đẳng sư phạm.

Quy định về trường cao đẳng chất lượng cao dựa trên năm tiêu chí. Đó là quy mô đào tạo; trình độ nhà giáo; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; quản trị nhà trường; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo.

Theo dự thảo, trường cao đẳng được đánh giá đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao khi đáp ứng ba yêu cầu sau. 

Thứ nhất, tổng số điểm đánh giá các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên.

Thứ hai, điểm đánh giá của từng tiêu chí đạt ít nhất 70% điểm tối đa của tiêu chí. 

Thứ ba, các tiêu chuẩn phải đạt điểm tối đa ba điểm.

Về tiêu chí quy mô đào tạo, tiêu chuẩn 1 là quy mô đào tạo tối thiểu 1.500 học sinh, sinh viên. Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đối với trường phục vụ đối tượng chuyên biệt, đào tạo các ngành nghề đặc biệt là 500. Số lượng người học chiếm tỷ lệ ít nhất 80% quy mô đào tạo.
Tiêu chuẩn 2 là tỷ lệ người học hoàn thành chương trình đào tạo chiếm tỷ lệ ít nhất 70% tổng số tuyển sinh khi kết thúc khóa đào tạo.

Tiêu chí trình độ nhà giáo có năm tiêu chuẩn. Trong đó, đáng quan tâm là tiêu chuẩn 1, với 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Tiêu chuẩn 2 là 90% nhà giáo có kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp ở những ngành/nghề có liên quan.

Chú trọng hợp tác đào tạo với doanh nghiệp

Dự thảo cũng đề xuất tiêu chí 3 “Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo” với năm tiêu chuẩn để đánh giá.

Thứ nhất, doanh nghiệp tham gia chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình xây dựng, rà soát, chỉnh sửa bổ sung chuẩn đầu ra, phát triển chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập. Trường triển khai đào tạo hợp tác với doanh nghiệp ở ít nhất một ngành/nghề. Trong đó, có cán bộ của doanh nghiệp đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm tham gia giảng dạy.

Thứ hai, hằng năm, trường hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, trải nghiệm thực tiễn, giải quyết việc làm cho người học.

Thứ ba, trường hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động của doanh nghiệp.

Thứ tư, chương trình đào tạo có các nội dung về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng số và kỹ năng xanh trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đối với ngành/nghề trọng điểm, thời gian đào tạo thực hành, thực tập, thí nghiệm chiếm ít nhất 70% tổng thời gian khóa học, trong đó đào tạo tại doanh nghiệp chiếm ít nhất 35% thời gian tổng thời gian khóa học.

Thứ năm, ít nhất 90% tổng số người học có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo hoặc tiếp tục học nâng cao trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.

Dự thảo nhấn mạnh tiêu chí về quản trị nhà trường và tiêu chí về trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo. Trong đó, ít nhất 90% người học được các doanh nghiệp đánh giá năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. 

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định công nhận kết quả đánh giá trường và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao, có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. 

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”.

Mục tiêu tổng quát của đề án phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. 

Trước đó,  năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020". Trong đó, 45 trường công lập được lựa chọn để đầu tư trọng điểm với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Ngoài ra, Quyết định cũng không giới hạn các trường khác nếu đáp ứng được tiêu chí thì cũng sẽ được công nhận là trường chất lượng cao.