Trung tướng Tô Ân Xô: Công an đã khởi tố 379 bị can trong vụ án đăng kiểm

NDO - Chiều 3/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 3/3, công an 28 địa phương khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

Tại họp báo, đại diện một số bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan những vấn đề đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sau dịch bệnh Covid-19, nguồn cung về hàng hóa, trang thiết bị y tế, thuốc có dấu hiệu khan hiếm, giá cả biến động cao. Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân sau dịch bệnh tăng, một số hợp đồng cung ứng trước đây đã ký, với thời hạn cung ứng chỉ 1 năm thì đã hết hạn, nên theo quy định là không được tiếp tục. Thêm nữa, tình trạng gia hạn, cấp giấy phép bị quá tải; nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu mua sắm, có gói thầu đấu thầu tới 2-3 lần; nhân lực cho công tác đấu thầu không đáp ứng được nhu cầu, có tâm lý e ngại trong mua sắm hàng hóa trang thiết bị thuốc, vật tư y tế.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sau dịch bệnh Covid-19, nguồn cung về hàng hóa, trang thiết bị y tế, thuốc có dấu hiệu khan hiếm, giá cả biến động cao. Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân sau dịch bệnh tăng, một số hợp đồng cung ứng trước đây đã ký, với thời hạn cung ứng chỉ 1 năm thì đã hết hạn, nên theo quy định là không được tiếp tục.

Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận

Thời gian qua, Bộ Y tế tích cực cùng bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc. Theo đó, Bộ tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết 80 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn và đến ngày 2/3, Bộ Y tế đã gia hạn được hơn 9.000 giấy phép, như vậy tất cả các thuốc trên thị trường được gia hạn, tiếp tục lưu hành.

Ngày 2/3, Bộ Y tế cũng trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98/2021/NĐ-CP, đồng thời, ngày 3/3, Chính phủ họp để thảo luận nhằm kéo dài thời gian hiệu lực Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; như vậy, các bất cập liên quan mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế sẽ được tập trung giải quyết, đặc biệt là vấn đề vướng mắc về giá.

Theo đại diện Bộ Y tế, trước đây phải yêu cầu có 3 báo giá nhưng đặc biệt là mặt hàng độc quyền thì khó có thể có 3 báo giá, cho nên việc sửa đổi quy định sẽ theo hướng chấp nhận chỉ có 1 báo giá, hoặc 2 báo giá; hoặc trang thiết bị y tế cùng 1 cấu hình, tính năng nhưng nguồn gốc xuất xứ khác nhau, nhà cung cấp khác nhau, thì giá khác nhau, nếu chúng ta lấy giá thấp nhất thì không bảo đảm chất lượng. Bộ Y tế đang trình theo hướng Hội đồng khoa học của cơ sở y tế sẽ quyết định loại nào là phù hợp yêu cầu sử dụng chứ không thể lúc nào cũng lấy giá thấp nhất. Như vậy, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 98 và Nghị quyết 144. Ngay sau khi các văn bản được ban hành thì các đơn vị được đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc bảo đảm nhu cầu.

Về việc chảy máu chất xám trong ngành y, Thứ trưởng Y tế cho biết, ngành y là ngành đặc biệt, nên nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, y đức. Theo đó, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ về xây dựng sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho vấn đề khám, chữa bệnh nói chung, trong đó có vấn đề nhân lực, chất lượng y tế, để tăng cường quản lý nhân lực.

Đến nay các cơ sở y tế công lập, đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã được áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề từ 20-70%; nhân viên y tế thôn bản hưởng phụ cấp hằng tháng từ 0,3-0,5 so mức lương tối thiểu. Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP theo hướng tăng phụ cấp đặc thù, đặc biệt, y tế cơ sở vùng xa, vùng sâu.

Bộ Y tế cũng đang soạn thảo Thông tư về xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; xây dựng Thông tư về cơ chế xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập. Khi các cơ sở y tế công lập thực hiện được cơ chế xã hội hóa, cơ chế tự chủ thì sẽ nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Ngành y tế cũng sẽ xây dựng Nghị định về đào tạo chuyên sâu và đào tạo đặc thù để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết thêm, ngay trong chiều 3/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì họp với các bộ, ngành để thảo luận về sửa đổi Nghị quyết 144 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đồng thời, dự kiến ngày 4/3, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế. Việc họp bàn và ban hành các quyết định mới được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề này.

Tích cực điều tra làm rõ một số vụ án nổi cộm

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, về vụ ông Đỗ Hữu Ca, qua chứng cứ và tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định hành vi của ông Ca đủ các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã quyết định khởi tố bị can với tội danh nêu trên và Viện kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Trong quá trình xét hỏi, ông Ca tỏ ra hợp tác với cơ quan điều tra; đã khai nhận tiền của doanh nhân, nhưng không (hoặc chưa) tác động cá nhân, cơ quan tổ chức nào để chạy án. Theo đó, ông Ca đã nộp lại số tiền chạy án cho cơ quan điều tra là 35 tỷ đồng. Hiện, Cơ quan điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi tội phạm của ông Ca và những người liên quan, xét xử theo đúng quy định pháp luật.

Về vụ đăng kiểm, ông Tô Ân Xô cho biết, tính đến ngày 3/3, công an 28 địa phương khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can với 7 tội danh gồm: môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.

Tính đến ngày 3/3, công an 28 địa phương khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can với 7 tội danh gồm: môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.

Trung tướng Tô Ân Xô

So sánh vụ việc này như vụ Việt Á, ông Xô khẳng định, số bị can chắc chắn sẽ không dừng lại và các tỉnh đang tiếp tục làm. Với hoạt động đăng kiểm có 3 mảng chính là kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kiểm định phương tiện nội thủy mà công an các địa phương bắt đầu đi sâu điều tra lĩnh vực này và thấy có nhiều vấn đề.

Qua xác minh ban đầu, các cán bộ của Cục Đăng kiểm và Trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ để bỏ qua lỗi như không đưa phương tiện thủy lên kiểm tra, không kiểm tra máy chạy thử phương tiện, phương tiện không có đèn tín hiệu, thiếu thiết bị an toàn… nhưng vẫn lập báo cáo kiểm định an toàn, đạt yêu cầu và cấp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường.

Thêm nữa là việc việc hoán cải phương tiện cũng có nhiều tiêu cực. Một số nhân viên phòng kiểm định của các Đăng kiểm lập ra công ty “sân sau”, hoặc móc nối các công ty này để bỏ qua lỗi qua quá trình thẩm định; lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải, sau đó chỉ nộp tiền hợp thức hóa, móc nối các trung tâm đăng kiểm để cấp giấy chứng nhận…

Nỗ lực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, có thể đến từ khía cạnh pháp lý, có thể từ khía cạnh thị trường, như mất cân đối cung cầu thị trường các loại bất động sản khác nhau cũng như liên quan vấn đề về vốn. Đối với thị trường bất động sản có nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này.

Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và 4 ngân hàng này đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Vấn đề thứ hai liên quan lãi suất, xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản nên các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.

Sau cuộc họp của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5-2% so mức cho vay thông thường.

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5-2% so mức cho vay thông thường.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết thêm, gói 120 nghìn tỷ đồng này chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhà ở xã hội có một số chính sách ưu đãi.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giảm so với lãi suất cho vay khoảng từ 1,5-2%, chưa tính đến là khi triển khai, tiền sử dụng đất cũng được Nhà nước miễn hay một số chính sách khác nữa với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới. Việc này Chính phủ đã bàn nhiều và Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết liên quan việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới.