Rải rác từ tuần trước đến nay, hàng loạt sự kiện, lễ hội Trung thu đã được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hồ Văn (Quốc Tử Giám), Phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Hoa Lư… Cứ đến những ngày này, là các nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống lại bận rộn tíu tít, “chạy sô” từ sự kiện này đến sự kiện khác. Cũng chỉ vào dịp này, họ mới có được cảm giác sống với nghề, được thấy công việc của mình được yêu mến, trân trọng.
Con giống, mâm ngũ quả, đầu lân bằng bột nặn. |
Các nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh (nặn con giống, mâm ngũ quả bột), Nguyễn Thị Tuyến (làm đèn ông sao, đèn con thỏ, con cá, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy…), Nguyễn Văn Quyền (làm đèn kéo quân), Nguyễn Văn Hòa (mặt nạ giấy bồi)… đều có thâm niên nhiều năm gắn bó với các chương trình giới thiệu, trải nghiệm, hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hay Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội hay Hoàng thành, hoặc Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây… Mỗi năm, họ đều có những cảm xúc khác nhau, nhưng dường như năm nào cũng có những nỗi lo còn đọng lại, là sự đứt gãy kết nối của mạch nghề truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến từng chia sẻ, công việc làm đèn ông sao rất vất vả, thời gian chuẩn bị nguyên liệu kéo dài hàng tháng trời trước Trung thu. Mọi thứ nguyên liệu đều phải tự tay lựa chọn, tỉ mẩn và từng món nho nhỏ, với số lượng lớn. Các khâu làm đèn hoàn toàn phải làm bằng tay, phải căn chỉnh từng chút một. Thời gian và công sức để làm ra được một chiếc đèn rất lâu, nhưng giá bán lại vô cùng rẻ, không đáng bao nhiêu so với công sức bỏ ra. Chính vì thế, hầu hết các thế hệ sau này không lựa chọn học nghề và theo nghề. Nếu cùng là công việc tay chân, làm thủ công, người trẻ sẽ lựa chọn những việc có thu nhập cao hơn là làm đồ chơi Trung thu truyền thống.
Trung thu không chỉ là một dịp lễ, mà còn chứa đựng trong đó cả kho tri thức dân gian. Bánh dẻo tượng trưng cho mặt trăng, bánh nướng tượng trưng cho đất, nhân bên trong tượng trưng cho những sản vật của vụ mùa trồng trọt và chăn nuôi bội thu, tiếng trống múa lân gợi nhớ đến những nghi thức cầu mưa, mâm ngũ quả cũng tượng trưng cho những ước vọng về sự no đủ, đủ đầy…
Trưng bày các loại đèn truyền thống ở Hoàng thành Thăng Long. |
Ngay cả những món đồ chơi dân gian cũng mang theo những kiến thức khoa học đơn giản nhưng rất thú vị được lưu truyền từ xa xưa. Chiếc đèn ông sư (còn gọi là đèn cù) chuyển động và quay tròn nhờ chức năng của những chiếc bánh xe được lắp khéo léo với nhau. Đèn ông sao ngày xưa có thể cắm nến vào cho sáng lung linh nhờ thanh tre nhỏ gá nến bên trong đèn, và những cánh sao có tác dụng như chiếc chụp đèn vừa che gió, vừa tạo ánh sáng rực rỡ đủ màu sắc qua giấy bóng kính màu. Chiếc tàu thủy sắt tây chạy được nhờ nguyên lý đốt nóng nồi hơi, hơi nước nóng đẩy chiếc tàu chạy và kêu lạch cạch vui tai. Con thỏ đánh trống bằng thiếc cũng hoạt động dựa trên nguyên lý bánh xe chuyển động kéo theo cánh tay chú thỏ gõ vào mặt trống.
Không chỉ cung cấp kiến thức khoa học một cách đơn giản, trực diện, dễ hiểu, các món đồ chơi truyền thống còn đem đến cho các em nhỏ những tri thức về lịch sử, văn hóa, xã hội theo cách truyền đạt hết sức gần gũi. Thí dụ tiêu biểu nhất là chiếc đèn kéo quân, các hình chạy trên mặt đèn thường gắn với một câu chuyện hoặc một tích trò nào đó, như chú bé chăn trâu, tiều phu đốn củi, ông trạng vinh quy bái tổ… Chiếc đèn cũng hoạt động dựa trên nguyên tắc đốt nóng, khi đốt nến luồng khí nóng bay lên làm chuyển động trục quay và các hình ảnh chạy theo…
Các loại đèn truyền thống ở phố Hàng Mã, Hà Nội. |
Cũng mang ý nghĩa truyền thụ tri thức xã hội và gửi gắm ước vọng con cái học hành đỗ đạt thành tài, món đồ chơi độc đáo ông tiến sĩ được làm bằng giấy màu, bày cùng mâm ngũ quả trông trăng. Đi kèm với ông tiến sĩ giấy là ông đánh gậy, chuyển động bằng các khớp nối và dây, giống như con rối que.
Mỗi một món đồ chơi, hay đồ trưng bày trong dịp rằm Trung thu đều mang những ý nghĩa như thế. Chính vì thế, mỗi năm, dịp Trung thu lại là dịp mọi người trở về với các giá trị cổ xưa. Sự tiếp nối về văn hóa, về tri thức bản địa hay những kiến thức khoa học không nằm ở đâu xa xôi, mà ở ngay trong những điều rất giản dị mà Tết Trung thu nào chúng ta cũng được gặp lại.