Tìm về Tết Trung thu xưa

“Rước đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…” những câu hát trong trẻo vọng ra từ Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi đang diễn ra các hoạt động đón Tết Trung thu 2023 đã làm cho bao người lớn tuổi cũng phải náo nức.
0:00 / 0:00
0:00
Tìm hiểu về Tết Trung thu xưa tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ.
Tìm hiểu về Tết Trung thu xưa tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ.

1/Những ngày này, khu vực phố cổ Hà Nội ngập trong sắc mầu truyền thống của chuỗi hoạt động văn hóa nhân dịp Tết Trung thu. Điểm nhấn của sự kiện là trưng bày chuyên đề “Trở về Trung thu xưa” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tổ chức, giới thiệu gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh giúp công chúng tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu chốn Hoàng cung.

Có thể kể đến “Bản phúc” ngày 29 tháng 8 năm Tự Đức 23 (1870) của bộ Lễ về nghi thức khi Hoàng thượng đích thân đến làm lễ Thượng nguyên, Đoan dương, Thất tịch, Trung thu, Trùng dương, Đông chí. Hay bài báo “Làm đồ chơi trẻ em về dịp Tết Trung thu” trên báo “Cứu quốc” ngày 28/8/1946: “Chỉ một tí nan, tí giấy, mấy cành que, cùng vài ba sợi tóc, người thợ mã tháng tám đã dựng một chiếc đèn kéo quân bốn mặt bài trí thêm mấy cảnh như nhắc lại lịch sử, văn chương, phong tục nước: nào Hưng Đạo Vương đuổi chém Phạm Nhan; nào Đinh Tiên Hoàng đứng trên mình rồng tay bắt quyết; nào ngày Tết các con quỳ lạy mừng tuổi cha mẹ… Những đồ chơi của thợ Annam là thường thường chỉ độ hai, ba hào là đắt lắm. Cái nào to tát như cái tàu thủy, cái ô-tô có máy chỉ độ tinh một đồng. Cái nào nhỏ như con tò he chút chít chỉ độ nửa xu một chiếc… trên mặt báo Temps là tờ báo rất có giá trị ở Pháp, có đăng bài khen ngợi thợ thuyền Annam có tài đặc biệt và khuyên những thợ Pháp, trong lúc “nghề làm đồ chơi nước Pháp” cần phải chấn hưng, nên bắt chước cái lối của bọn thợ thiếc Annam mà làm đồ chơi cho trẻ…”.

2/TS Trần Đoàn Lâm đã xúc động khi được xem những hình ảnh thời trước khi ông cha ta từ thời nhà Nguyễn, Pháp thuộc rồi đến khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức Tết Trung thu như thế nào. Ông rất ấn tượng với những tư liệu về Trung thu ở triều Nguyễn, như việc các quan đã tâu lên và được vua chuẩn y Tết Trung thu là một trong những lễ, Tết quan trọng cấp triều đình ngang với Tết Đoan dương, Nguyên đán… Và dưới thời Vua Minh Mạng, Tết Trung thu được vua ban yến và cử nhạc lễ, nhã nhạc triều đình.

Em Nguyễn Diệu Ngân (Trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội) tâm sự, con rất thích đồ chơi trung thu của người xưa bởi vì trông vừa đẹp lại mang đậm chất truyền thống Việt Nam. Con và các bạn cùng lứa tuổi mong muốn sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều hơn về những món đồ chơi, lễ hội trăng rằm xưa để hiểu hơn về văn hóa cổ truyền của dân tộc. Cũng dắt cháu nội đến thăm không gian đậm sắc mầu cổ truyền, ông Nguyễn Kim Kê (78 tuổi), một người dân trong phố cổ bồi hồi: Ngay tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ này, trước đây là rạp Lạc Việt, hơn 10 tuổi tôi đã tham gia diễn các vở chèo, tuồng cổ ở đây. Những dịp Trung thu, rạp thường tổ chức diễn các vở dành cho trẻ em như chuyện Thánh Gióng, Thạch Sanh…

3/Trung thu xưa và nay đều là ngày Tết trẻ em với những nghi thức, trò chơi, mâm cỗ… Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội hay văn hóa của ngày xưa khác với ngày nay rất nhiều. Quan niệm thẩm mỹ của ngày xưa cũng khác với ngày nay, cho nên có thể nói Tết Trung thu bây giờ sôi nổi hơn với những đồ chơi trung thu phong phú, sắc mầu hơn. TS Trần Đoàn Lâm cho rằng, để cuốn hút trẻ quan tâm tới nét đẹp truyền thống của Tết Trung thu, cần tổ chức những sự kiện quảng bá, giáo dục. Bởi lẽ trẻ muốn yêu thích và tôn trọng truyền thống, sâu xa hơn là tinh thần yêu nước trước hết cần phải hiểu đã. Các phương tiện thông tin đại chúng nên có nhiều chương trình giới thiệu về các trò chơi, đồ chơi dân gian.

TS Lâm đánh giá, Hà Nội đang sẵn có tiềm năng lớn, bởi các vùng chung quanh có rất nhiều làng nghề, trong đó có các làng nghề chuyên về đồ chơi truyền thống. Các đồ chơi truyền thống đó làm sao phải thân thiện với môi trường, đồng thời tiếp cận được với trẻ em hiện nay. Như đèn kéo quân, trước thì chạy bằng đèn dầu nay có thể cải tiến chạy bằng pin chẳng hạn. Để làm sao trẻ em thời nay chấp nhận và yêu thích nó thì bấy giờ mới gìn giữ được nét truyền thống của Tết Trung thu.

Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban Tổ chức mong muốn các chương trình hoạt động văn hóa nhân Tết Trung thu truyền thống 2023 sẽ tạo không gian vui chơi bổ ích, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chuỗi sự kiện đón Trung thu truyền thống 2023 còn có các hoạt động như biểu diễn rối cạn Tế Tiêu tại 22 Hàng Buồm; Giới thiệu, hướng dẫn chơi và làm đồ chơi truyền thống tại Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), Không gian bích họa phố Phùng Hưng; Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội.