Trong các nguồn “tài nguyên văn hóa đặc sắc của kinh đô” được nêu lên trong hội thảo, thì nguồn “tài nguyên ẩm thực” là một chủ đề rất thu hút các chuyên gia, nhà tư vấn tham gia ý kiến. Ẩm thực Huế có đến 1.700/3.000 món ăn ở Việt Nam xưa được ghi trong Hội điển của triều đình Nguyễn. Việc chế biến các món ăn được xem như một nét của nếp sống văn hóa Huế. Và từ nhiều năm qua, Huế đã bảo tồn và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống, để góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của địa phương.
Có một sự kiện rất đáng chú ý ở Đà Lạt cũng vừa diễn ra cuối tuần qua. Đó là việc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV vừa khai mạc Triển lãm “Không gian mộc bản triều Nguyễn” và sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số”. Nhiều năm qua, Trung tâm có trách nhiệm rất cao trong việc quản lý, bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn, với 33.971 mộc bản. Năm 2009, UNESCO đã vinh danh mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam. Đây là tài liệu đặc biệt trong kho tàng lịch sử Việt Nam, thể hiện các hoạt động của triều Nguyễn, để các thế hệ mai sau có thể tìm hiểu cội nguồn, sự phát triển văn hóa của dân tộc ta.
Sau rằm, một sự kiện diễn ra tại Thủ đô cũng rất đáng quan tâm là vào 15 giờ chiều ngày 30/9, tại NXB Kim Đồng (55 Quang Trung, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ diễn ra buổi tọa đàm “Quá tải dân số: Làm thế nào để nuôi sống nhiều người hơn?” nhân dịp ra mắt tác phẩm “Nuôi nhân loại” của tác giả Julie Lardon (người Pháp). Tác giả Julie Lardon sẽ có mặt trực tiếp tại buổi tọa đàm này. Tác phẩm “Nuôi nhân loại” là một trong 5 quyển trong bộ sách “Thế giới tương lai” của Julie Lardon đã được NXB Kim Đồng biên dịch. Tác giả Julie Lardon có chuyến thăm Việt Nam, và cô sẽ dừng lại tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng để tham gia các hoạt động diễn thuyết và giới thiệu bộ sách này.