Bảo tàng Nghệ thuật Quang San tọa lạc ở Quận 2, ven sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) trên một mảnh đất 2000m2 có cảnh quan đẹp và không gian cây xanh tươi mát. Với thiết kế kiến trúc hiện đại, Bảo tàng là một thiết chế văn hóa đẹp và hoành tráng, được thành lập theo quyết định số 46/QĐ-SVHTT ngày 7/2/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng và lưu giữ các di sản mỹ thuật quý của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San Nguyễn Thiều Kiên: "Việc thành lập bảo tàng sẽ tạo ra một không gian văn hóa cho những cuộc đối thoại và tư duy sâu sắc về nghệ thuật và văn hoá nước nhà, đi đôi với bảo tồn các tư liệu quý về lịch sử, giáo dục thẩm mỹ, nâng cao giá trị tác phẩm của các họa sĩ và tinh thần nghệ thuật Việt Nam. Tên gọi của bảo tàng ghép từ tên người sáng lập (Quang) và mẹ của ông (San)".
Không gian trưng bày tác phẩm của các họa sĩ lứa kháng chiến chống thực dân Pháp. |
Sau hơn 20 năm sưu tầm với số lượng hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật, chủ sở hữu bộ sưu tập là ông Nguyễn Thiều Quang nhận thấy nếu giới hạn trong không gian nhỏ hẹp và gia đình thì khó có thể để nhiều người yêu nghệ thuật có thể cùng chiêm ngưỡng, tìm hiểu, cho nên ông đã cùng gia đình và các cộng sự lên phương án thiết kế, tổ chức và bố trí một bảo tàng trưng bày đẳng cấp, tôn vinh tác phẩm, các tác giả và phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng và du khách khi đến thành phố.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hơn 1000 bức tranh trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là những tác phẩm rất có giá trị của nền mỹ thuật Việt Nam, là một phần được tinh hoa của mỹ thuật đất nước. Hầu như toàn bộ các họa sĩ tiêu biểu, đại diện của các trường phái hội họa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đều có tác phẩm trưng bày ở bảo tàng. Được biết, nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam đã được ban lãnh đạo bảo tàng mua lại từ những cuộc đấu giá lớn ở nước ngoài.
Nhà sáng lập và Ban Giám đốc, điều hành bảo tàng. |
Thiết kế và bố trí trưng bày của Bảo tàng khá hấp dẫn, độc đáo và khoa học, lôi cuốn người xem. Ở tầng 1 tập trung trưng bày tác phẩm của các danh họa, nhà điêu khắc có những cống hiến lớn trong thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Từ các giảng viên người Pháp đã khởi xướng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại cho đến các thế hệ học sinh của những khóa đầu tiên của mỹ thuật Đông Dương như các bộ tứ trụ hội họa: “Trí, Cẩn, Vân, Lân”, “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” hay “Thứ, Phổ, Lựu, Đàm”. Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở phòng mở đầu này thuộc bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.
Không gian tầng 1 còn được chia thành hai khu vực 1A và 1B. Trong đó, Khu 1A nằm ở bên trái cầu thang đi lên, nối tiếp về chủ đề những sinh viên các khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ cùng thời kỳ như: Nguyễn Khang; Trần Phúc Duyên, nhạc sĩ Văn Cao (tác giả của “Tiến Quân Ca”, quốc ca đất nước Việt Nam); Trịnh Hữu Ngọc, Mai Văn Hiến, Phan Kế An...
Khu 1B tập trung vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trưng bày các tác phẩm của những danh họa tham gia kháng chiến. Những sinh viên khóa kháng chiến này hay còn gọi là khóa “Tô Ngọc Vân" bao gồm sinh viên các Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Trường Mỹ thuật Gia Định cùng một số họa sĩ cùng thời đã ra nhập quân ngũ như: Lưu Công Nhân, Ngô Minh Cầu, Mai Long (Khóa kháng chiến 1950-1954); Nguyễn Hiêm (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1940/1941); Huỳnh Phương Đông (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1945); Nguyễn Trí Minh (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1946),...
Không gian trưng bày của các họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật đương đại Việt Nam. |
Tầng 2 là không gian trưng bày lớn nhất của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San với các tác phẩm của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày ở đây thuộc thời kỳ sau 1975, đất nước hòa bình, thống nhất và bắt đầu chính sách Đổi mới (1986). Phòng này được chia theo ba khu vực chính, bắt đầu từ bên trái sẽ là tranh của các họa sĩ miền bắc, tiếp đó là tranh họa sĩ miền trung và kết thúc là tranh của các họa sĩ ở miền nam.
Những danh họa miền bắc gồm có: Đoàn Văn Nguyên; các thành viên Gang of Five như: Đặng Xuân Hòa và Hồng Việt Dũng; Đặng Tiến; Lê Đại Chúc; Hồ Minh Quân; Bùi Quang Ánh. Hội họa miền trung có: Hoàng Đăng Nhuận; Đinh Cường; Bửu Chỉ; Dương Đình Sang; Nguyễn Thiện Đức. Các họa sĩ miền nam bao gồm: Nguyễn Kao Thương; Trần Châu; Nguyễn Phước; Nguyễn Lâm; Trịnh Thanh Tùng...
Với việc khai trương, những người sáng lập và điều hành Bảo tàng Nghệ thuật Quang San mong muốn nơi đây không những là địa chỉ của công chúng yêu nghệ thuật mà còn là điểm đến của du khách trong nước và ngoài nước khi tới Thành phố Hồ Chí Minh.