Đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành không gian văn hóa sáng tạo

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện đã trở thành điểm đến không thể thiếu với khách du lịch khi đến Hà Nội. Không dừng lại ở đó, thành phố đang từng bước đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hóa sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm văn hóa, lịch sử tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm văn hóa, lịch sử tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Sau khi định đô ở Thăng Long, nhà Lý bắt đầu quá trình kiến thiết kinh đô. Năm 1076, Văn Miếu ra đời. Sau đó nhà Lý tiếp tục mở trường Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi đào tạo nhân tài cho cả nước. Vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội chỉ giảm đi khi nhà Nguyễn xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế.

Trải qua những biến cố của lịch sử, có thời gian việc bảo tồn di tích quan trọng hàng đầu của Thủ đô này không được quan tâm đúng mức. Năm 1988, thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Kể từ đó đến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích này đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hạng mục như: Cổng Tam quan, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, giếng Thiên Quang... được tu bổ; việc tái dựng khu Nhà Thái học, phục dựng Phương đình trên gò Kim Châu - những hạng mục bị hư hỏng cùng thời gian - được các chuyên gia đánh giá cao. Mỗi năm khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục có những bước chuyển mình thành một không gian sáng tạo.

Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: "Khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, chúng tôi thấy việc phát triển những không gian sáng tạo là cần thiết. Nhưng với một di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì triển khai thế nào cũng khá mông lung. Song, dần dần từng bước chúng tôi tìm ra giải pháp.

Trung tâm đang tích cực triển khai theo hướng đưa di tích trở thành không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo... để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Nhưng dù hoạt động như thế nào, thì nền tảng các hoạt động của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là tôn vinh đạo học, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc".

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bây giờ không chỉ là một địa chỉ tham quan, mà từng bước trở thành một không gian văn hóa với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, điển hình như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về thầy giáo Chu Văn An - người thầy tiêu biểu của đất nước Việt Nam...

Trong đó, riêng mảng giáo dục di sản, thực hiện kế hoạch "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục tuyên truyền về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám", Trung tâm đã xây dựng hơn 30 chủ đề giáo dục di sản và tổ chức cho hàng trăm đoàn học sinh các cấp đến trải nghiệm tại đây.

Các chương trình giáo dục di sản đa dạng về chủ đề, xây dựng theo phương pháp mới, lần đầu thực hiện ở các bảo tàng di tích Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đổi mới trong phương pháp dạy và học ở các nhà trường, phù hợp với các lứa tuổi, phát triển kỹ năng cho học sinh. Phục vụ cho công tác giáo dục, Trung tâm cho ra đời Phòng Trải nghiệm cùng di sản, là địa điểm hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc trẻ em đi theo gia đình, cũng là nơi khách tham quan có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu...

Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang đẩy mạnh số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho bảo tồn, quảng bá.

Hiện trung tâm đang triển khai việc xây dựng chương trình tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn, thí dụ như biểu diễn sân khấu thực cảnh với chủ đề Hành trình đạo học, trải nghiệm các sinh hoạt của trường Quốc Tử Giám kết hợp với trải nghiệm công nghệ thông qua kính thực tế ảo. Ứng dụng các công nghệ hiện đại: Chiếu 3D, thực tế ảo AR/VR, 3D Hologram, 3D Mapping để khách tham quan trải nghiệm những giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Trong cuộc tọa đàm nhân 35 năm ra đời, hoạt động của Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các nhà khoa học đều đồng thuận với định hướng phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác giá trị di sản, đạo học; đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.