Theo ông Lê Quang Thuận, ngày 22-10, một tổ công tác 17 người gồm lãnh đạo, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa đã theo đường rừng đi bộ đến hơn 16 giờ cùng ngày vào đến xã Hướng Việt. Tổ công tác gùi theo thuốc và các vật tư thiết yếu để kịp thời cứu chữa hai lãnh đạo xã Hướng Việt bị thương trên đường đi cứu hộ và chăm sóc sức khỏe nhân, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Cũng theo ông Thuận, vì giao thông từ thị trấn Khe Sanh theo đường Hồ chí Minh nhánh tây ra xã Hướng Việt, Hướng Lập đang còn chia cắt nên hồi 6 giờ sáng 23-10, tại UBND huyện Hướng Hóa, một đoàn cứu trợ khẩn cấp gồm 12 chiếc xe bán tải với 32 người gồm bác sĩ, quân đội, công an, biên phòng… được huyện điều động đã chở theo hàng hóa, nhu yếu phẩm đi về quốc lộ 1 ra tỉnh Quảng Bình, rồi ngược lên đường Hồ Chí Minh để tiếp cận xã Hướng Lập, Hướng Việt.
Sau đó, khi lên được đường Hồ Chí Minh, đoàn quay ngược theo hướng nam để vào xã Hướng Lập, Hướng Việt của huyện Hướng Hóa nhưng chỉ đến được km 166+800 trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây, tại điểm này núi sạt lở chia cắt, giao thông đang ách tắc, nên đoàn ô-tô 12 chiếc phải dừng lại. Từ đây, đoàn “tăng bo” hàng hóa, nhu yếu phẩm qua đoạn sạt lở, rồi người dân địa phương hai xã Hướng Lập và Hướng Việt của huyện miền núi Hướng Hóa ra trợ giúp, tiếp tục gùi hàng về xã kịp thời cung cấp cho nhân dân bị cô lập do lũ nhiều ngày nay.
Với hai cán bộ xã Hướng Việt đang thương bị thương nặng. Tin chúng tôi vừa nhận được từ ông Lê Quang Thuận, vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 23-10, máy bay trực thăng của quân đội đã đáp xuống, chở hai cán bộ này đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Đến 10 giờ ngày 23-10, toàn huyện Hướng Hóa đang còn ba xã Hướng Việt, Hướng Lập và Hướng Sơn, đều ở phía bắc của huyện này đang bị cô lập hoàn toàn. Các xã còn lại chỉ tiếp cận được bằng xe máy và đi bộ.
Trong lúc đó tại huyện miền núi Đakrông, Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Ngọc Châu; Lê Đại Lợi cho biết, tuy các xã trên địa bàn huyện không còn nơi nào bị cô lập nhưng giao thông hỏng hại quá lớn nên đến hôm nay công tác cứu trợ, mặc dù rất được huyện khẩn trương nhưng cũng chỉ tiếp cận các làng, bản bằng đi bộ hoặc xe máy, rất ít nơi ô-tô vào được trung tâm xã.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, lũ lụt gây ảnh hưởng nặng nề nhiều huyện, thị, thành phố của tỉnh này, trong đó bị ảnh nặng nhất là các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng; về các con nuôi, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và TP Đông Hà thiệt hại lớn.
Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, tỉnh hết sức linh động sử dụng nhiều phương án để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các xã đang bị cô lập. Vào hồi 15 giờ 30 ngày 22-10, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã thả 1,5 tấn hàng cứu trợ cho xã Hướng Việt, Hướng Lập.