Trù phú làng hoa Mỹ Tho

NDO - Mỗi khi Tết đến Xuân về, làng hoa Mỹ Tho (Tiền Giang) lại đua nhau khoe sắc. Ngày đầu mới “chớp nở”, làng hoa chỉ có vài hộ trồng cho đẹp không gian nhà. Giờ đây, làng hoa đã phồn thịnh và bao nhiêu thế hệ con cháu lại tiếp bước cha, ông trồng hoa chưng Tết, tô thắm thêm cho vẻ đẹp mùa xuân.
0:00 / 0:00
0:00
Làng hoa Mỹ Tho, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho.
Làng hoa Mỹ Tho, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho.

Để được sắc màu rực rỡ, hương hoa bát ngát, người nông dân đã đổ mồ hôi chăm sóc suốt thời gian dài. Cực nhọc là vậy. Thành quả mang lại là rất nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Làng hoa hơn 60 năm

Ông Nguyễn Văn Phước gần 80 tuổi ở ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) là một trong những người lớn tuổi trồng hoa đầu tiên ở làng hoa Mỹ Tho còn sống. Tuổi đã cao, ông vẫn còn khỏe mạnh và duy trì nghề trồng hoa Tết cho đến ngày nay.

Gặp tại ruộng hoa khi ông đang là “cố vấn” cho các con trồng hoa. Ngồi trên bờ lộ dal nghỉ mệt, ông Phước tâm sự: “Làng hoa Mỹ Tho có khoảng năm 1954. Tôi là người duy nhất trồng hoa thời điểm đó còn sống.

Ban đầu, ông nội tôi là Nguyễn Văn Hóa trồng chừng vài chục chậu để cho bà con và trong gia đình chưng cho đẹp trong những ngày Tết.

Sau đó, ba tôi là ông Nguyễn Văn Khanh và chú là Nguyễn Văn Trọng cùng với tôi và các ông như: Sáu Thọ, Tư Chơn, Năm Bột, Tư Mẹo, Sáu Lăng… trồng lên số lượng vài trăm chậu. Số lượng nhiều, mọi người nghĩ đến chuyện buôn bán. Và làng hoa ra đời từ đó”.

Trù phú làng hoa Mỹ Tho ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Phước ra thăm vườn hoa của con mình trồng.

Lúc ban đầu, làng hoa Mỹ Tho cũng chưa có nhiều loại, chỉ trồng được các loại hoa dễ trồng như: Huỳnh Xuân Đông (cúc), cúc vàng cùi, cúc đều, vạn thọ, dạ lý hương, ớt chùm, ớt nho.

Mỗi người trồng khoảng 100-200 chậu và tập trung ở ấp Hội Gia, Mỹ Lợi của xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho. Về gốc tích các loại hoa, người trồng đi đây, đi đó, thấy loại hoa nào đẹp thì đem về ươm rồi nhân rộng từ từ.

“Thời điểm đó, chúng tôi đi lượm phân trâu ở ngoài ruộng về chất thành đống chờ mưa xuống cho hoai mục.

Sau đó, người trồng hoa đi xin lá lợp nhà bị mục về trộn với phân trâu ủ một thời gian. Chúng tôi tiếp tục chặt cây dừa nước chẻ làm nan để đan chậu, lá dừa nước chằm vào chậu và đợi ngày ươm giống, xuống chậu”, ông Nguyễn Văn Phước tâm sự.

Trước đây, việc trồng hoa ít chịu ảnh hưởng bởi sâu bệnh nên người trồng cũng rất ít sử dụng phân thuốc và nhẹ công chăm sóc.

Khoảng 24 Tết hằng năm, người trồng chở hoa bằng xuồng rồi chuyển lên bày bán dọc cầu quay đến trước cửa rạp hát Định Tường (ngày nay là công viên Lạc Hồng).

Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) Trương Văn Nhung, nếu như lúc “khai sinh”, làng hoa Mỹ Tho chỉ có vài hộ trồng và tập trung ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Hơn 60 năm qua, làng hoa đã mở rộng ra xã Mỹ Phong, phường 9, xã Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho). Người trồng cũng lên con số hơn 300 hộ, số lượng hoa Tết cung cấp cho thị trường có năm tăng lên hơn 1 triệu chậu và trở thành một làng hoa trù phú.

Trù phú làng hoa Mỹ Tho ảnh 2

Người dân chăm sóc hoa tết tại xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho.

Đồng chí Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho cho biết, các giống hoa đã trồng lâu năm ở làng hoa Mỹ Tho như: vạn thọ, vạn thọ Pháp, cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc đại đóa, cúc đồng tiền, mồng gà các loại, phượng hoàng, mãn đình hồng, cẩm tú cầu…

Năm nay, làng hoa có thêm những giống mới như: vạn thọ đinh, cẩm chướng đủ màu, diễm châu, dạ yên thảo và nhiều giống hoa khác nữa.

Nhiều giống được mua từ Đà Lạt như: cúc Ping Pong, trạng nguyên... một số giống của các công ty hoa như: sao nhái, bông quỳ, vạn thọ khổng tước, mai địa thảo, dạ châu…

Làm giàu từ hoa Tết

Bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho là một trong những người trồng hoa Tết với số lượng nhiều và lâu năm ở làng hoa Mỹ Tho cho biết, mùa hoa năm 2023, sau khi trừ tiền thuê đất, các chi phí khác, gia đình lợi nhuận được trên 140 triệu đồng.

Năm nay, gia đình tiếp tục trồng 4.000 chậu cúc Hà Lan, 3.000 chậu cúc vàng hòe, 2.500 chậu vạn thọ, mồng gà. Nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định như năm trước thì gia đình lợi nhuận không dưới 150 triệu đồng.

Trồng hoa Tết như đã ăn sâu vào máu thịt của dòng họ và gia đình bà Kiều. Từ thời ông nội, rồi cha và bây giờ đến bà.

Qua Tết, thấy người ta mua phân, tro, chậu… về chuẩn bị thì trong lòng bà thấy chộn rộn, nôn nao; “máu” trồng hoa lại nổi lên.

Gia đình không có nhiều đất để canh tác vườn, không nhiều diện tích để chăn nuôi. Mỗi năm, bà Kiều phải đi thuê đất để trồng một vụ hoa, sau đó chuyển sang trồng màu… Nhưng nhờ trồng hoa mà cuộc sống khá giả, các con của gia đình có điều kiện ăn học.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều, do say mê với nghề, chịu khó học hỏi, nắm bắt được kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên các loại hoa gia đình luôn bảo đảm chất lượng, được thương lái nhiều nơi tìm đến và bán được giá cao hơn so với các hộ trồng hoa khác.

Trù phú làng hoa Mỹ Tho ảnh 4

Một góc làng hoa Mỹ Tho ở vụ Tết 2023.

Nói đến “thủ phủ” trồng hoa Tết ở thành phố Mỹ Tho thì ông Nguyễn Văn Nuôi, ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong là một trong những người trồng hoa có tiếng trong vùng.

Hằng năm, ông trồng trung bình từ 7.000-10.000 chậu hoa các loại. Kết thúc vụ hoa năm rồi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Năm nay, gia đình ông trồng trên 10.000 chậu hoa các loại gồm: 500 giỏ mâm xôi, 1.500 giỏ vàng hòe, 4.000 giỏ cúc Hà Lan, 1.500 giỏ vạn thọ, gần 2.000 giỏ cát tường, 1.000 giỏ cúc đồng tiền… Bên cạnh việc trồng, ông Nuôi còn cung cấp hàng triệu cây vạn thọ, cúc… giống cho người dân nơi đây.

Để trồng được trên 10.000 chậu hoa các loại, ông Nguyễn Văn Nuôi phải đi thuê đất ở nhiều nơi trồng.

Mỗi năm, chi phí tiền thuê khoảng 50 triệu đồng. Sau khi mùa hoa kết thúc, ông chuyển sang trồng rau muống, trồng đậu xanh, trồng bắp… để trang trải cuộc sống hằng ngày và đợi chờ đến vụ hoa Tết năm sau.

“Nói thiệt, trồng hoa cực lắm! Nhiều hôm, tôi phải tưới nước, bón phân, phun thuốc từ sáng đến chiều. Đến tối, gia đình phải thức để xem việc phun thuốc, bón phân có hiệu quả không. Nếu không, chúng tôi phải đổi thuốc, đổi phân để xử lý lại. Tuy cực, thành quả mang lại nhiều”, ông Nuôi bộc bạch.

Theo ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, trước đây, nhiều tổ viên trong tổ hợp tác chưa trồng hoa, cuộc rất rất bấp bênh. Nhưng khi đã trồng hoa với với số lượng vài nghìn chậu trở lên thì cuộc sống đã khá hơn.

Tiêu biểu trong làng hoa này có bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (ấp Mỹ Hưng), ông Phạm Văn Thanh (ấp Mỹ Lợi), ông Nguyễn Văn Trung, ông Ngô Tuấn Anh (ấp Mỹ Hòa).

Trồng hoa không bao giờ lỗ. Trung bình mỗi chậu hoa đầu tư từ tiền thuê đất đến các chi phí khác thì khoảng 60%, còn lại lãi 40%. Nếu ai trồng đạt, bán được giá cao và tận dụng được công lao động của gia đình thì lợi nhuận còn nhiều hơn.