Trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải đến 12 tấn CO2/ha

NDO - Ngày 4/9, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện mô hình thí điểm vụ thứ nhất của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 7 mô hình thí điểm thuộc đề án tại 5 tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ.

Ghi nhận qua vụ canh tác đầu tiên, các mô hình đạt kết quả rất khả quan, giảm chi phí, năng suất cao, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân trồng lúa. Trong vụ hè thu 2024, năng suất đạt 64,52 tạ/ha cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,63 tạ/ha, sản lượng lúa giảm phát thải là 1.262 tấn. Lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 12 - 20%.

Trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải đến 12 tấn CO2/ha ảnh 1

Cục Trồng trọt tặng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện đề án cho các tỉnh, thành phốĐồng bằng sông Cửu Long.

Theo tính toán, chi phí sản xuất theo mô hình thí điểm khoảng 21 triệu đồng/ha, thấp hơn 5,3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Nhờ chi phí đầu tư thấp, mô hình trồng lúa giảm giống 40%, phân bón 34,2%, thuốc bảo vệ thực vật 44,8% và tưới tiêu 13%, nhưng vẫn đạt năng suất cao, khoảng 6,5 tấn/ha, giá bán 10.800 đồng/kg.

Trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải đến 12 tấn CO2/ha ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của mô hình trồng lúa thí điểm cao hơn 5,2 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Đặc biệt, mô hình đã giảm từ 7,6 -12 tấn CO2/ha so với ngoài mô hình.

Tất cả các mô hình đều có doanh nghiệp liên kết thu mua lúa, một số mô hình được các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua cho các hộ sản xuất lúa trong mô hình cao hơn so với bên ngoài 100-150 đồng/kg.

Từ kết quả đạt khả quan của vụ đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các địa phương mở rộng diện tích trong vụ đông xuân tới để tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến tăng lên 200.000ha vào năm 2025.

Phát biểu tại Hội Nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, 7 mô hình thí điểm đều mang lại hiệu quả tích cực giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa. Qua đó nâng cao ý thức của nông dân trong liên kết sản xuất xanh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam triển khai 9 nhóm giải pháp nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm của Đề án. Trong đó, đề nghị các địa phương chú trọng xây dựng quy trình liên kết sản xuất căn cơ, phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thực hiện cơ giới hóa và nâng cao kiến thức sản xuất, canh tác tiên tiến cho nông dân.