Trở ngại không thể xem nhẹ do thiếu hụt nhân sự

Bức tranh thị trường lao động toàn cầu thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang bị bao phủ bởi những gam mầu u ám từ cuộc khủng hoảng nhân công trầm trọng. Sự thiếu hụt nhân sự không chỉ là rào cản trên con đường phục hồi kinh tế, mà còn đe dọa an ninh, trật tự xã hội khi ở nhiều quốc gia làn sóng đình công lan rộng do người lao động phải làm việc quá tải.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Từ châu Á cho đến châu Âu, châu Mỹ, thị trường việc làm đang nóng lên khi nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngày càng tăng cao, trong bối cảnh các nền kinh tế sẵn sàng vươn mình bứt tốc sau thời kỳ dịch bệnh. Tại Mỹ, số việc làm cần phải "lấp đầy" lên tới con số 11,2 triệu trong tháng 7/2022 và đây là xu hướng duy trì trong suốt mấy tháng hè vừa qua.

Các ngành nghề đang khát nhân lực nhất là giao thông, kho vận và công việc liên quan dịch vụ điện, nước. Quốc gia láng giềng là Canada cũng phải chật vật ứng phó cuộc khủng hoảng "đại nghỉ hưu". Trong tháng 8/2022, Canada ghi nhận 307.000 người nghỉ hưu, cao hơn 12,5% so cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thiếu hụt lao động cũng là bài toán hóc búa của Anh, Đức, Hàn Quốc, Australia... và vấn đề này không chỉ giới hạn ở một vài lĩnh vực kinh tế đơn lẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng nhân sự trầm trọng trên thế giới hiện nay. Một trong số đó là làn sóng nghỉ hưu sớm khi nhiều người gặp khó khăn với các triệu chứng Covid-19 kéo dài. Theo kết quả nghiên cứu quốc tế do Viện Đo lường và Đánh giá y tế thuộc Đại học Washington (Mỹ) thực hiện, số ca mới mắc hội chứng Covid kéo dài từ năm 2020 cho đến năm 2021 đã tăng 307%.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gióng hồi chuông thúc giục các quốc gia, trong đó có các nước châu Âu, phải có sự nhìn nhận đúng đắn về tầm nguy hiểm của hội chứng này và vạch ra chiến lược ứng phó phù hợp. Nguyên nhân thứ hai là các doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thời gian qua, các sân bay và hãng hàng không tại châu Âu phải vật lộn để bổ sung nhân lực, vốn đã bị sa thải một lượng lớn trong thời kỳ ngành du lịch "đóng băng" do dịch bệnh. Những yếu tố khác bao gồm số người nhập cư giảm mạnh, nhiều người rời thành phố về quê...

Sự thiếu hụt ấy khiến lực lượng lao động hiện tại phải làm việc dưới nhiều áp lực. Trong khi đó, mức lương họ nhận được không theo kịp với tốc độ lạm phát. Nhiều người lao động phàn nàn rằng họ đã kiệt sức vì vừa phải làm việc quá tải trong giai đoạn dịch bệnh lây lan, vừa chật vật đối phó với vật giá leo thang từng ngày.

Đây cũng là nguồn cơn của làn sóng đình công ở một số nước. Mới đây, tại Mỹ, hơn 15.000 y tá tại các bệnh viện ở hai bang Minnesota và Wisconsin tiến hành đình công nhằm yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và mức lương cao hơn. Ở Hà Lan, các cuộc đình công đã làm tê liệt dịch vụ tàu hỏa trong nhiều tuần.

Trở ngại không thể xem nhẹ do thiếu hụt nhân sự ảnh 1
Một đoàn tàu chở hàng hóa ở Chicago, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Đưa ra mức đãi ngộ tốt hơn cho người lao động, cải cách luật nhập cư... là những giải pháp được các nước tính đến để làm dịu cơn khát nhân lực, rào cản của tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội. Vừa qua, các công ty vận tải đường sắt Mỹ và các nghiệp đoàn đại diện cho 115.000 nhân viên ngành đường sắt đã đạt thỏa thuận tạm thời, theo đó người lao động được hưởng lương cao hơn và điều kiện làm việc được cải thiện.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) nhấn mạnh, đây là thắng lợi của hàng chục nghìn nhân viên ngành đường sắt, những người đã làm việc miệt mài trong suốt thời gian dịch Covid-19 hoành hành để cung cấp hàng hóa cần thiết cho cộng đồng dân cư trên toàn nước Mỹ. Một số quốc gia như Đức, Canada, Hàn Quốc... cũng cải thiện thủ tục tiếp nhận người nhập cư để bảo đảm sức tăng trưởng của nền kinh tế.

Khủng hoảng nhân lực là một trở ngại không thể xem nhẹ đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia phải tìm ra giải pháp dài hạn và toàn diện, thay vì những phương án mang tính ứng phó tạm thời, trong bối cảnh thế giới đang ở trong giai đoạn nhiều bấp bênh, biến động từ lạm phát, xung đột, dịch bệnh.