Triển lãm và mạn đàm về sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương

NDO - Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), công ty TNHH Salmon tổ chức một sự kiện đặc biệt mang tên "Triển lãm & Art Talk: "Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương".
0:00 / 0:00
0:00
Các tác phẩm thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương được giới chuyên môn đánh giá cao và có mặt trong nhiều bộ sưu tập quý tại nước ngoài.
Các tác phẩm thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương được giới chuyên môn đánh giá cao và có mặt trong nhiều bộ sưu tập quý tại nước ngoài.

Đây là một sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật hiện đại của Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 1925-1945, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, hậu duệ của những họa sĩ nổi tiếng, cũng như các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật trong nước.

Triển lãm lần này mang đến cho công chúng 25 bản in chất lượng cao của các tác phẩm nổi tiếng từ các họa sĩ lừng danh, như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và nhiều tên tuổi khác, được tuyển chọn từ hơn 1000 tác phẩm của hơn 70 nghệ sĩ từng được thẩm định bởi nhà đấu giá Aguttes.

Trường Mỹ thuật Đông Dương, được thành lập vào năm 1925 dưới sự lãnh đạo của họa sĩ Victor Tardieu, là một trong những cơ sở đào tạo nghệ thuật quan trọng nhất tại Đông Dương, góp phần định hình nền nghệ thuật hiện đại của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Những bức họa này tái hiện lại thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Đông Dương, đặc biệt là sự giao thoa giữa nghệ thuật phương Tây và dòng chảy mỹ thuật Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo mà còn là dịp để tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và tầm ảnh hưởng của Trường Mỹ thuật Đông Dương đối với sự phát triển của nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Triển lãm và mạn đàm về sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương ảnh 1

Các buổi mạn đàm mỹ thuật mở ra nhiều hiểu biết, cảm nhận cho công chúng.

Sự kiện Art Talk sẽ được dẫn dắt bởi bà Charlotte Aguttes-Reynier, chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật hiện đại châu Á, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" (L'Art Moderne en Indochine). Cuốn sách này được bà biên soạn từ năm 2014 và là tác phẩm đầu tiên đề cập toàn diện về vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong việc thúc đẩy nghệ thuật sáng tạo tại khu vực Đông Dương trong suốt giai đoạn 1925-1945.

Bà Aguttes-Reynier không chỉ là một chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật, mà còn là người đứng đầu nhà đấu giá Aguttes, nơi bà đã giúp các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, và Vũ Cao Đàm được giới thiệu rộng rãi trên thị trường quốc tế. Chuyên gia này sẽ cùng các diễn giả quốc tế, bao gồm cả hậu duệ của các nghệ sĩ nổi bật, chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng về nghệ thuật Đông Dương và ảnh hưởng của trường Mỹ thuật Đông Dương đến nền mỹ thuật hiện đại.

Triển lãm và mạn đàm về sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương ảnh 2

Cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" (L'Art Moderne en Indochine).

Sự kiện bao gồm ba phiên thảo luận sâu sắc, xoay quanh các chủ đề liên quan đến nghệ thuật hiện đại Đông Dương. Mỗi phiên thảo luận được điều phối bởi bà Charlotte Aguttes-Reynier, với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng như ông Hubert Lacroix - chuyên gia về nghệ thuật và là cựu giám đốc xưởng đúc Susse, bà Anaïs Diez - chuyên gia bảo tồn tranh Viễn Đông, và ông Philippe Augier - người sáng lập Bảo tàng Pasifika tại Bali.

Phiên thảo luận đầu tiên tập trung vào mối quan hệ giữa Jacques Lebas, giám học Trường Albert Sarraut, và Victor Tardieu, người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Câu chuyện về tình bạn giữa họ đã giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Tiếp theo, sẽ có một phiên thảo luận quan trọng về vai trò của các kỹ thuật truyền thống Trung Hoa trong việc phát triển nghệ thuật hiện đại Đông Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực hội họa trên lụa. Đây là một lĩnh vực đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam, với sự kết hợp giữa các kỹ thuật phương Đông và ảnh hưởng từ các nghệ sĩ phương Tây.

Cuối cùng, một trong những điểm nhấn đáng chú ý là phiên thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật đa văn hóa, với sự tham gia của các nghệ sĩ và nhà sưu tầm nổi tiếng như Alain Le-Kim, con trai của họa sĩ Lê Phổ, và nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm.

Nhiều chuyên gia nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật, giàu kinh nghiệm và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật trong khu vực và trên thế giới sẽ xuất hiện trong sự kiện, mang đến cho người tham gia những kiến thức và góc nhìn sâu sắc.

Charlotte Aguttes-Reynier - diễn giả điều phối chính - là chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật hiện đại châu Á. Bà hiện là Chủ tịch Hiệp hội các nghệ sĩ châu Á tại Paris (AAP), nơi bà nghiên cứu và tổng hợp tài liệu về nhiều khía cạnh của nghệ thuật hiện đại châu Á. Bà đặc biệt chú trọng đến các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, bao gồm Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.

Bên cạnh đó là sự góp mặt của Aguttes - nhà đấu giá hàng đầu châu Âu. Nhờ những nỗ lực và thành tựu nổi bật, Aguttes đã thiết lập nhiều kỷ lục thế giới và đóng góp vào sự phát triển của thị trường hội họa châu Á. Trong nhiều năm hoạt động, Aguttes đã giới thiệu rất nhiều nghệ sĩ và thẩm định hàng nghìn tác phẩm hội họa, phác thảo, sơn mài và điêu khắc, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng thời kỳ Đông Dương.

Triển lãm và mạn đàm về sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương ảnh 3

Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới.

"Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương" không chỉ mở ra cơ hội để khám phá những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại mà còn là dịp để kết nối các thế hệ nghệ sĩ, những người yêu thích nghệ thuật và lịch sử Việt Nam. Ngoài các diễn giả quốc tế, sự kiện còn có sự tham gia của nhiều hậu duệ của các họa sĩ nổi tiếng, những người sẽ chia sẻ những câu chuyện về gia đình, di sản nghệ thuật, và vai trò quan trọng của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong việc thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự kiện cũng sẽ công bố một giải thưởng và học bổng đặc biệt dành cho sinh viên mỹ thuật toàn quốc, nhằm khuyến khích thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp bước những di sản sáng tạo của các bậc thầy trong ngành mỹ thuật.

Triển lãm & Art Talk "Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương" diễn ra cả ngày 7/1/2025 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, 19 Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sự kiện được Viện Pháp hỗ trợ truyền thông, với sự tham gia của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, cùng các cơ quan nhà nước và các nhà nghiên cứu. Sự kiện được kỳ vọng mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật hiện đại Đông Dương, đồng thời ghi dấu một mốc quan trọng trong hành trình 100 năm của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.