Triển lãm do Hội Lịch sử thành phố Verrières-le-Buisson tổ chức là hoạt động khởi đầu chuỗi sự kiện tại Pháp kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023). Những hình ảnh và tư liệu báo chí do Hội dày công sưu tầm hàng chục năm qua đã thể hiện sinh động cuộc đấu tranh kiên cường của Việt Nam ở cả trên chiến trường, trên bàn đàm phán cùng với sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình tại Pháp và trên thế giới.
Tham dự triển lãm có một số nhân chứng gồm những người từng trực tiếp hỗ trợ đoàn đàm phán, tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Nam hay sống ở khu vực gần ngôi nhà có đoàn đàm phán lưu trú.
Triển lãm giới thiệu những hình ảnh lịch sử về cuộc đấu tranh của Việt Nam trong đó có cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Paris, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế được đăng trên các tờ báo Pháp. |
Ông Gautier Christien, Chủ tịch Hội Lịch sử thành phố Verrières-le-Buisson điểm lại các hoạt động của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng phái đoàn, từng lưu trú tại đây từ năm 1968 đến 1973.
Ông nhớ lại: Ở thời điểm đó, gia đình tôi ở đối diện ngôi nhà lịch sử đó, do vậy đã được chứng kiến các hoạt động của đoàn đàm phán. Cũng như nhiều người khác ở Pháp mong muốn hòa bình sớm trở lại ở Việt Nam, tôi chờ có dịp để bày tỏ tình đoàn kết. Dịp đó nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5), trong vườn nhà có cây linh lan nở rộ và tôi đã hái tặng bà Bình một nhành hoa. 10 năm trước chúng tôi đã tổ chức một cuộc triển lãm như vậy, nay bổ sung thêm nhiều hình ảnh và tư liệu báo chí về các hoạt động kỷ niệm sự kiện lịch sử này trong những năm qua.
Ông François Guy Trébulle, Thị trưởng thành phố Verrières-le-Buisson nhấn mạnh, thành phố rất tự hào đã có đóng góp vào việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Dù cách xa nhau gần 10 nghìn km, thành phố đã được đi chung con đường Việt Nam, đó là đấu tranh để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình. Tình hữu nghị tốt đẹp như bây giờ giữa hai nước có sự đóng góp tích cực và sự trân trọng sâu sắc, nhất là trong giai đoạn diễn ra đàm phán Hiệp định Paris, mà người Pháp dành cho dân tộc Việt Nam.
Theo ông François Guy Trébulle, Hiệp định Paris là một dấu mốc lịch sử của Việt Nam và cũng rất quan trọng đối với những người bạn Pháp trong ngày hôm nay và cả mai sau. Kỷ niệm sự kiện lịch sử này cũng là dịp đề cao trách nhiệm nhắc nhở thế hệ trẻ rằng hoà bình rất quý giá và đáng trân trọng bằng tất cả danh dự, công lý và sự hy sinh.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cảm ơn chính quyền và nhân dân thành phố Verrière-le-Buisson đã thể hiện tinh thần đoàn kết và hữu nghị sâu sắc với Việt Nam trong thời gian diễn ra đàm phán. |
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng bày tỏ xúc động được gặp lại những gương mặt thân quen từng hết lòng giúp đỡ đoàn đàm phán Việt Nam. Thành phố này là nơi chứng kiến những thời khắc lịch sử trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris và cũng là nơi chia sẻ, đoàn kết, đồng hành và ủng hộ hết lòng trong những thời khắc lịch sử cho cuộc đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức lịch sử vẫn luôn sống động và minh chứng những nỗ lực đấu tranh cho hòa bình của Việt Nam. Thành phố đã trở thành một địa danh quan trọng trong lịch sử của Việt Nam và trong lịch sử chung giữa hai nước.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đó là kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Đã có nhiều thay đổi kể từ ngày lịch sử đó, 27/1/1973, nhưng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác trên nhiều lĩnh vực và nhiều cấp giữa hai nước ngày càng tốt đẹp.
Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng gửi lời cảm ơn chân thành tới những người bạn Pháp đã đóng góp, mỗi người theo cách riêng của mình, vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước của Việt Nam và vì tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước.
Ông Jean-Luc Henrie và bà Daniele Henrie vui mừng đón Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và ông Michel Strachinescu (bên phải) tới thăm ngôi nhà, nơi lưu trú của bà Nguyễn Thị Bình trong thời gian diễn ra đàm phán Hiệp định Paris. |
Tiếp đó, các đại biểu tới thăm ngôi nhà số 49, nay là số nhà 17, trên phố Cambacérès ở Verrières-le-Buisson, nơi lưu trú của bà Nguyễn Thị Bình. Ông Jean-Luc Henrie và bà Daniele Henrie, chủ ngôi nhà từ năm 2016, vui mừng được tiếp đón và bày tỏ vinh dự được sinh sống tại nơi ghi dấu ấn lịch sử của Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam. Ngôi nhà và khuôn viên có thay đổi nhưng còn lưu giữ ở đó nhiều kỷ niệm về bà Nguyễn Thị Bình và Đoàn đám phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.
Bà Daniele Henrie chia sẻ: Tôi được xem rất nhiều ảnh về bà Nguyễn Thị Bình lưu trú ở đây. Vì vậy, khi nhìn qua khung cửa sổ này tôi có thể hình dung bóng dáng của bà Bình khi phải tạm rời xa đất nước, rời xa chồng con và người thân, để tới Paris thực hiện sứ mệnh lịch sử. Tôi rất trân trọng điều đó. Có thể nói, các bạn, những người Việt Nam và cả đất nước Việt Nam luôn trong tâm trí của chúng tôi.
Còn ông Michel Strachinescu, người từng lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình trong những năm tham gia đàm phán, xúc động nhớ lại những ngày tháng làm nhiệm vụ hỗ trợ các bạn Việt Nam: Có rất nhiều kỷ niệm không thể quên nhưng tôi vẫn luôn nhớ câu nói của bà Bình sau khi ký kết Hiệp định Paris rằng "mọi chuyện chưa hẳn đã kết thúc, nhưng Việt Nam phải trở lại như một gia đình". Và thực tế vào năm 1975, Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất. Việt Nam là một dân tộc vĩ đại. Tôi đã thấy rõ ý chí quyết tâm và sự đoàn kết mạnh mẽ hướng về Việt Nam trên khắp mọi nơi trên thế giới thông qua các cuộc đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn Pháp từng tham gia các hoạt động hỗ trợ đoàn đàm phán Việt Nam. |
Trong những ngày tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ phối hợp chính quyền địa phương, nơi lưu trú của hai đoàn đàm phán, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 ký kết Hiệp định Paris.