Nhận lời viết một bài cho Báo Nhân Dân số Tết Quý Mão 2023, lòng tôi rất bâng khuâng, vừa mừng vừa lo… Mừng vì trong nhiều năm qua, năm nào Báo Đảng cũng dành cho tôi sự ưu ái này. Lo vì năm nay, tuổi tôi đã cao - tuổi 94 rồi - mà như người xưa nói: “Cây già thì gió dễ lay, người già thì trí dễ lẫn”. Liệu tôi có viết nổi một bài báo đáng xem không? Nghĩ đi rồi nghĩ lại.
Gì thì gì, với Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, tôi vẫn là người trong cuộc. Là thành viên của Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam), tôi đã tham gia Hội nghị Paris - tức cuộc đàm phán dẫn đến ký kết Hiệp định Paris - từ đầu đến cuối, từ năm 1968 đến 1973.
Từ Hiệp định Paris 1973
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi trực tiếp của cuộc đấu tranh của ta tại bàn đàm phán, nhưng cơ bản, lâu dài và gốc rễ vẫn là thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến đấu quyết liệt của nhân dân, dân tộc ta trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược mà ta thường gọi tắt là đấu chí, đấu trí và đấu mưu.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968; thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, phá tan phòng tuyến McNamara của địch; thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ cuối năm 1972 là những dấu son chói lọi.
Với Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ đã phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận. Hoa Kỳ cũng cam kết thực hiện ngừng bắn và rút hết quân ra khỏi miền nam Việt Nam trong vòng sáu tháng, không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền nam Việt Nam. Ở miền nam, sẽ cùng tồn tại hai chính quyền (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn), hai lực lượng vũ trang và hai vùng kiểm soát.
Với Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, ta đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”, và thời gian tiếp theo là “đánh cho ngụy nhào” bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Từ Hiệp định Paris 1973 đến nay, đất nước ta đã trải qua 50 năm. Thời gian trôi thật nhanh. Nửa thế kỷ rồi mà cứ như mới ngày nào. Đối với một đất nước, một dân tộc, nửa thế kỷ có là bao. Nhưng đối với mỗi con người, thời gian đó không phải là không đáng kể. Bác Hồ từng nhắc lại câu nói của nhà thơ Đỗ Phủ (đời Đường, Trung Quốc): “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. (Người sống đến 70 tuổi xưa nay hiếm). Xưa là thế. Nhưng thời nay đã khác. Không phải 70, mà 80, 90 tuổi vẫn chưa được coi là hiếm.
Nói đến Hội nghị Paris về Việt Nam, tôi nhớ đến nhà ngoại giao, nhà thơ tài ba Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào cuối Hội nghị, ở tuổi 60, anh Xuân (tức Xuân Thủy) có bài thơ Xuân Thủy 60 tuổi, đậm đà xuân sắc:
Nghĩ mình như thực, như mơ
Sáu mươi tuổi chẵn nào ngờ hôm nay
Lòng xuân, xuân vẫn tràn đầy
Sáu mươi mà vẫn như ngày đôi mươi
(Ngày 2/9/1972)
Mười năm sau, vào tuổi 70, Xuân Thủy lại có thơ mừng thọ mình:
Bảy mươi tuổi chẵn chưa già đâu
Dù có đau lưng, có bạc đầu
Non nước hai vai còn gánh khỏe
Vì dân, vì Đảng thọ càng lâu
(Ngày 2/9/1982)
Đến Việt Nam thời hiện tại
Nói đến Việt Nam thời hiện tại, chúng ta không thể không nói đến bức thông điệp tràn đầy hào khí mà Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021) gửi đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tác giả của bức thông điệp đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí khẳng định: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đồng chí gióng lên hồi chuông: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các dấu son quan trọng là:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Một chân trời mới đã hừng lên trước sự nghiệp đổi mới và phát triển của dân tộc ta. Bước tiếp con đường rộng mở, chúng ta tự hào siết chặt hàng ngũ, tiến lên dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng.
Nói đến Việt Nam thời hiện tại, chúng ta cũng không thể không nói đến hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”.
Chào Xuân Quý Mão, xin trân trọng chúc Báo Nhân Dân và tất cả mọi người chúng ta một năm mới an lành, hạnh phúc và cháy bỏng khát vọng phát triển!
Xuân Quý Mão 2023