Triển khai thực hiện mục tiêu ngay từ ngày đầu năm 2024

Với những kết quả tích cực đạt được trong năm 2023, thành phố Hà Nội tự tin bước vào năm 2024 với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn. Muốn vậy, các cấp, các ngành thành phố cần bắt tay ngay vào làm việc từ những ngày đầu năm với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” theo chủ đề công tác năm đã đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 17 thảo luận nhiều nội dung quan trọng dự kiến triển khai trong năm 2024. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 17 thảo luận nhiều nội dung quan trọng dự kiến triển khai trong năm 2024. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, kinh tế-xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó ba chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. Ước cả năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng hơn 5%); thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 405.252 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán, tăng 23,8% so với thực hiện năm 2022.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nghị quyết của Ủy ban nhân dân thành phố đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 6,5 đến 7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 triệu đến 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ 10,5 đến 11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%...

Mục tiêu tổng quát được nêu trong Nghị quyết là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô. Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số: PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.

Trước khi được ban hành, khi đưa ra thảo luận, một số ý kiến cho rằng nhiệm vụ chỉ tiêu trong thời gian tới nặng nề, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta phải nỗ lực từ đầu năm. Hiện nay, các địa phương gặp khó khăn về thu thuế, thu tiền sử dụng đất dự án, tình hình đấu giá..., đề xuất thành phố hỗ trợ các địa phương để tháo gỡ các khó khăn này, nhất là phục hồi thị trường bất động sản.

Thành phố cần tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính cần gắn chặt với thực hiện các nghị quyết của hội đồng nhân dân về phân cấp (phân cấp kinh tế-xã hội, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi...) và đề án phân cấp ủy quyền, nhất là ủy quyền giải quyết thủ tục của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành cho các quận, huyện, thị xã. Đại biểu Hội đồng nhân dân Phạm Đình Đoàn mong muốn thành phố có thêm nhiều giải pháp hơn nữa, thể hiện rõ sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, cho thấy Thủ đô luôn gương mẫu đi đầu nâng cao chỉ số phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thành phố cần tiếp tục giám sát, đôn đốc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; tập trung hoàn thành các tuyến đường vành đai 1; 2; 2,5; 3...; đẩy nhanh thực hiện đề án quản lý tài sản công, xây dựng chung cư cũ; tiếp tục quan tâm vấn đề nước sạch cho người dân, tránh xảy ra tình trạng thiếu nước sạch như tại khu đô thị Thanh Hà trong năm 2023; rà soát lại các lĩnh vực đơn giá định mức quá thấp so với yêu cầu hoặc chưa có đơn giá định mức...

Ở các quận, huyện, dù mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 đều cao hơn so với năm 2023, tuy nhiên tinh thần “bắt tay vào việc ngay từ đầu năm” cũng được thể hiện rõ. Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Trần Thị Phương Hoa cho biết, năm 2024, quận Cầu Giấy được thành phố giao thêm nhiều chỉ tiêu cao, trong đó thu ngân sách là hơn 19,4 nghìn tỷ đồng, bằng 159,4% dự toán năm 2023... Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, toàn quận cần phải nỗ lực nhiều hơn, người đứng đầu các đơn vị phải quyết liệt, quyết tâm cao hơn trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Muốn đạt kết quả cao, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm; đề xuất năm nhiệm vụ trọng tâm gắn với kế hoạch, giải pháp khắc phục các hạn chế đã được chỉ ra. Đồng thời, các đơn vị tập trung khai thông các nguồn lực xã hội, thủ tục về đầu tư, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Áp lực giải ngân năm 2024 là rất lớn, cao hơn 72% so với năm 2023, các cơ quan, đơn vị cần phải xây dựng kế hoạch giải ngân với từng dự án; định kỳ giao ban xây dựng cơ bản; đề xuất các công trình dự án tiêu biểu; hoàn thành thủ tục các dự án cấp thành phố”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, thành phố tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là tập trung triển khai hiệu quả, thực chất hơn nữa chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, đoàn thể thành phố cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm cao nhất, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo đà cho năm 2025 và bảo đảm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.