Đây là hoạt động cụ thể đầu tiên của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh thực hiện kết quả hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước tổ chức ngày 19/9.
Tham dự lễ khai giảng, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Trung Hiếu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh; ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cùng 308 học viên là lãnh đạo quản lý, chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp và đại diện hiệp hội, doanh nghiệp chè 12 tỉnh trung du và miền núi phía bắc gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hòa Bình.
Về phía Trung Quốc, có đại diện Sở Nông nghiệp và Nông thôn, Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam, các địa phương, đơn vị, hiệp hội liên quan cùng gần 100 học viên là cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp chè đến từ các châu Hồng Hà, Văn Sơn và thành phố Phổ Nhĩ thuộc tỉnh Vân Nam.
Phát biểu ý kiến tại lễ khai giảng, Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu đánh giá cao việc hơn 300 học viên Việt Nam và gần 100 học viên Trung Quốc đăng ký tham dự khóa tập huấn lần này.
Đây là khóa học trực tuyến có số lượng học viên hai nước tham gia đông nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, thể hiện sự hấp dẫn của mô hình đào tạo kết hợp giao lưu và hợp tác thực chất của khóa tập huấn mà Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh và Sở Nông nghiệp và Nông thôn, Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam đã liên tục tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong nhiều tháng qua, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân làm chè cổ thụ, hỗ trợ phục hồi kinh tế của cả hai nước.
Hoan nghênh ý tưởng và đánh giá cao việc tổ chức khóa tập huấn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời cho biết, những năm gần đây, ngành sản xuất chè của Việt Nam phát triển nhanh chóng, hiện đã trở thành quốc gia sản xuất chè đứng thứ 7 và xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới, xuất khẩu đi khoảng 100 quốc gia, tuy nhiên, giá trị của sản phẩm đem lại vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có, vì vậy cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đặc biệt cần quan tâm bảo tồn, phát triển cây chè cổ thụ, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Toản bày tỏ hy vọng khóa tập huấn diễn ra trong 3 ngày sẽ là tiền đề giúp phát triển chè cổ thụ Việt Nam, lấy sản phẩm chè Phổ Nhĩ làm ví dụ ban đầu để từ đó thúc đẩy, tạo động lực phát triển chè cổ thụ nói riêng và ngành chè nói chung giữa hai nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội Trà Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam ký Bản ghi nhớ về giao lưu hợp tác giữa hai bên. |
Ông Trương Mục, đại diện Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Vân Nam nhấn mạnh, khóa tập huấn lần này sẽ triển khai giảng dạy và giới thiệu toàn bộ kiến thức về ngành công nghiệp chè cổ thụ từ khâu bảo vệ tài nguyên chè, khai thác bền vững, kỹ thuật ươm giống, trồng trọt, chế biến và bảo quản, phát triển thị trường ngành chè cổ thụ, tổ chức riêng buổi kết nối doanh nghiệp chè cổ thụ hai nước; đồng thời bày tỏ hy vọng, với 400 học viên đến từ 12 tỉnh miền bắc Việt Nam và 3 châu/thành phố của tỉnh Vân Nam, khóa tập huấn sẽ tiếp thêm nội hàm và động lực mới, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Đại diện các đơn vị liên quan của tỉnh Lai Châu và tỉnh Vân Nam đánh giá, đây là hoạt động thiết thực và thành quả mới trong triển khai nội dung biên bản của hội nghị giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) cũng như thỏa thuận giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Thông qua sự thúc đẩy của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội Trà Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về giao lưu hợp tác giữa hai bên nhằm cùng nhau phát triển kỹ thuật, xây dựng diễn đàn trao đổi hợp tác, giao dịch chè và hỗ trợ giải quyết tranh chấp cho ngành chè cổ thụ giữa doanh nghiệp hai bên.
Ngoài ra, với sự kết nối của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Công ty Tân Hoa Quốc Trà thuộc Tập đoàn Sunwah Hồng Kông (Trung Quốc) và Công ty Chè Shanam Việt Nam đã hợp tác sản xuất “Bánh trà Hữu nghị Việt-Trung” đầu tiên làm từ nguyên liệu chè cổ của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhằm đánh dấu sự khởi đầu hợp tác chính thức giữa ngành công nghiệp chè cổ thụ hai bên.