Các cơ quan đại diện Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế tại Pháp

NDO - Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế ngày 19/9 có ý nghĩa chỉ đạo rất quan trọng đối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Trong thời gian qua, các cơ quan đại diện tại Pháp tích cực thực hiện nhiệm vụ này.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Đinh Toàn Thắng (giữa) cùng đại diện Thương vụ và Bộ phận Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Pháp tham dự Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: MINH DUY)
Đại sứ Đinh Toàn Thắng (giữa) cùng đại diện Thương vụ và Bộ phận Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Pháp tham dự Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: MINH DUY)

Đây là cuộc họp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành với các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về chủ đề ngoại giao kinh tế nhằm huy động nguồn lực để phục hồi kinh tế và phát triển đất nước sau đại dịch.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, hội nghị cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Trung ương Đảng và Chính phủ đối với việc điều hành kinh tế đất nước nói chung, cũng như đối với công tác ngoại giao kinh tế nói riêng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết: Triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế trong bối cảnh tình hình mới là nội dung trọng tâm của hội nghị. Đây là động lực cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài để làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng này.

Trong bối cảnh kinh tế ở Việt Nam và thế giới vừa bước ra khỏi đại dịch nhưng lại phải đối mặt với không ít những thách thức do các biến động lớn và đa chiều trên trường quốc tế, các cơ quan đại diện tại Pháp đã xác định ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Các cơ quan đại diện tại Pháp xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng vì là động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững theo như Chỉ thị số 15-CT/TƯ của Ban Bí thư công bố ngày 10/8/2022.

Ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Các cơ quan đại diện tại Pháp nhận thức rõ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng thực sự là những định hướng quan trọng cho việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Sự quan tâm và chỉ đạo sát sao như vậy có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển của đất nước hiện nay, trong đó có việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển nhanh và bền vững.

Có như vậy mới phát huy được những thành tựu, hóa giải các thách thức và tiếp tục tạo nền tảng cho kinh tế nước nhà bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới, có được vị trí cao trong kinh tế khu vực và kinh tế thế giới cũng như trong các chuỗi giá trị đang chuyển dịch.

Nhắc tới chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, đây là dấu mốc quan trọng cho quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối Pháp. Sau chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ quán và các cơ quan đại diện tại Pháp đã triển khai hàng loạt hoạt động ngoại giao kinh tế khác nhau, đạt được những hiệu quả rất tích cực và tiếp tục các kế hoạch thúc đẩy hợp tác với các đối tác Pháp.

Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đã tiến hành các chuyến thăm và làm việc với hơn 10 địa phương, tổ chức được 7 diễn đàn doanh nghiệp, 5 hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư và tiếp xúc, trao đổi, thăm cơ sở của hơn 100 doanh nghiệp Pháp cũng như tại các quốc gia kiêm nhiệm.

Các chuyến thăm và trao đổi với các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Pháp trong thời gian qua tại các trung tâm kinh tế lớn đã làm rõ hơn những nhu cầu và tiềm năng hợp tác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp tiếp tục tăng cường kết nối cho các dự án trên các lĩnh vực then chốt của Việt Nam hiện nay, bao gồm cơ sở hạ tầng, hàng không-vũ trụ, năng lượng sạch, logistics, nông nghiệp, dược phẩm, y tế, môi trường…

Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp xác định thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, thúc đẩy du lịch là yếu tố quan trọng để tranh thủ thế mạnh sẵn có của các địa phương và đối tác Pháp. Trong các dự án hợp tác, Việt Nam chú trọng tới những hợp tác có hàm lượng khoa học-công nghệ cao, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và các định hướng du lịch giữa hai nước, dựa trên nền tảng hợp tác song phương đã có từ nhiều năm nay.

Thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, thúc đẩy du lịch là yếu tố quan trọng để tranh thủ thế mạnh sẵn có của các địa phương và đối tác Pháp.

Các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như dệt may, nông sản, đặc biệt là gạo và hồ tiêu, sẽ tiếp tục được Thương vụ và Bộ phận Xúc tiến đầu tư tại Pháp thúc đẩy trong thời gian tới với nhiều hình thức, mạng lưới đối tác phong phú hơn, tranh thủ hiệu quả hơn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Các đối tác đa phương khác đang hoạt động tại địa bàn Pháp vẫn sẽ tiếp tục là những đối tác uy tín và tiềm năng của Việt Nam, nhất là hợp tác trong các chương trình của UNESCO, hợp tác với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hay với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), theo đúng tinh thần của các chuyến thăm của lãnh đạo các tổ chức này tại Việt Nam và các sự kiện kết nối trong thời gian qua.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định, Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp sẽ tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch thiết lập, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Pháp, đồng thời tăng cường kết nối hợp tác giữa các địa phương của hai nước theo đúng phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển” được nêu ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra 9 tháng trước.