Triển khai đồng loạt 12 dự án đường cao tốc bắc-nam

Theo kế hoạch, sáng nay 1-1, ngày đầu tiên của năm mới 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức phát lệnh khởi công dự án thành phần đường cao tốc đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (Bình Định) tại điểm cầu trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, mở màn cho việc triển khai đồng loạt 12 dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025).
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động phương tiện và nhân lực tăng tốc thi công dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn I (2017-2021).
Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động phương tiện và nhân lực tăng tốc thi công dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn I (2017-2021).

“Siêu dự án” cao tốc bắc-nam này có chiều dài tuyến chính 729km, tổng mức đầu tư sơ bộ 146.990 tỷ đồng.

Sau hơn 300 ngày dồn hết tốc lực, việc rút ngắn kỷ lục về thời gian chuẩn bị đầu tư thể hiện quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đối với dự án trọng điểm quốc gia này.

Tập trung các nhà thầu mạnh

Theo đánh giá của Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, kể từ ngày 11/1/2022, thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 đến nay, trong gần 1 năm, Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực vượt bậc hoàn thiện toàn bộ thủ tục, bảo đảm đủ điều kiện theo quy định để khởi công đồng loạt toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn II vào ngày 1/1/2023 tại 12 điểm cầu, điểm cầu trung tâm đặt tại Quảng Ngãi. Cách thức tổ chức này là chủ trương mới, tạo ra khí thế quyết tâm ngày đầu năm, thực hiện đúng phương châm đổi mới tư duy, cách làm, cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian sớm nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Dự án trải dài qua địa bàn nhiều tỉnh, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng thực hiện rất lớn trong thời gian ngắn, nên đòi hỏi nỗ lực lớn và quyết tâm rất cao trong triển khai. Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) Trần Chủng đánh giá, việc khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần trong chưa đầy 1 năm kể từ khi chủ trương đầu tư được thông qua là kỷ lục về thời gian chuẩn bị đầu tư, thể hiện quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án.

Từ trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng có văn bản yêu cầu chủ đầu tư/ban quản lý dự án đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn được nhà thầu mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bán thầu. Giám đốc các ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng nếu để xảy ra tình trạng bán thầu và các vấn đề tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu.

Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026. Gói thầu đầu tiên của dự án được khởi công là gói XL1 với tuyến đường dài 30km, gồm công trình đường bộ cấp I và 31 công trình cầu (4 cầu cấp II, 20 cầu cấp III và 7 cầu cấp IV), trị giá khoảng 3.862 tỷ đồng, thời gian thực hiện 1.020 ngày, do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu Liên danh.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định: “Đèo Cả sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ số khi khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thông qua thiết bị quét tự động “3D-Laser-Scanning” và bay chụp “LiDAR”, hạn chế sự can thiệp thủ công của con người nhằm tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh và chính xác; đánh giá lại hồ sơ thiết kế, dự toán của chủ đầu tư, xác định độ chính xác của địa hình, vị trí mỏ vật liệu, bãi đổ thải, phạm vi giải phóng mặt bằng,... bảo đảm tính đúng, tính đủ để đề xuất dự án, quản lý nhà thầu, phản biện tư vấn giám sát và phục vụ công tác hậu kiểm của cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, thiết bị “3D-Laser-Scanning” cũng được sử dụng trong giai đoạn thi công để tự động quét và ghi lại kích thước cấu kiện công trình; xác định chính xác kích thước hình học của mái dốc taluy, chiều dày các lớp kết cấu đường và đặc biệt xác định độ lún nền đường trong quá trình đắp gia tải,...”. Hiện tại, ở dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn I, Đèo Cả đang thi công hầm Thung Thi (hầm xuyên núi lớn nhất thuộc đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45) và hầm Trường Vinh (đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu). Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải, tập đoàn đã điều động hơn 500 nhân sự và hàng trăm thiết bị máy móc tăng tốc thi công, trực tiếp hỗ trợ các gói thầu chậm tiến độ.

Theo Phó Cục trưởng Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến, các ban quản lý dự án sẽ sàng lọc, “chọn mặt gửi vàng” nhà thầu đủ điều kiện tham gia thi công dự án cao tốc giai đoạn II. Để xác định nhà thầu đủ năng lực, ngoài “quy định khung” về đấu thầu, căn cứ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 15 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải còn áp hàng loạt tiêu chuẩn về tài chính, năng lực thi công (từng thực hiện các hợp đồng dự án có giá trị bằng 50% giá trị gói thầu đang xét),...

Xử lý rủi ro, vướng mắc

Từ thực tế triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc bắc-nam giai đoạn I, Bộ Giao thông vận tải và nhà thầu đã nhận diện các rủi ro, vướng mắc trước đây có thể tái diễn trong quá trình triển khai giai đoạn II. Theo đó, nhà thầu đứng đầu liên danh không chủ động chọn được đối tác có năng lực cùng tham gia gói thầu hoặc đối tác không có năng lực quản trị điều hành dự án, khi gặp khó khăn thường đùn đẩy trách nhiệm.

Mặt khác, các loại vật tư, vật liệu thiết yếu như sắt, thép, xi-măng, nhựa đường,... khi xảy ra tình trạng giá tăng cao, thường không được điều chỉnh kịp thời, sát thực tế. Ở dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II, dù Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu, song các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ vật liệu thông thường, dẫn đến chi phí tăng cao và chậm tiến độ.

Do tính chất công trình giao thông chạy dọc theo tuyến, đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp, nhiều dự án triển khai đồng loạt với thời gian chuẩn bị hồ sơ rất ngắn, cho nên tiềm ẩn nguy cơ sai sót trong quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, xác định giá dự toán và lập hồ sơ yêu cầu. Việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu là thách thức rất lớn đối với các bên tham gia thực hiện dự án trong bối cảnh hiện nay.

Chọn lựa nhà thầu làm đối tác liên danh, ngoài đáp ứng năng lực theo quy định, còn phải đáp ứng cả nguyên tắc chọn lựa mà doanh nghiệp đứng đầu liên danh đặt ra. Cụ thể, nhà thầu chứng minh được năng lực khi thực hiện các dự án do nhà thầu đứng đầu liên danh triển khai, không có khiếu kiện, tranh chấp; ưu tiên kết nối các nhà thầu địa phương có năng lực phù hợp để chủ động nguồn nguyên vật liệu (mỏ đất, đá,...).

Nhà thầu đứng đầu liên danh cần kiểm soát giá và nguồn vật liệu thông qua quản lý dòng tiền tạm ứng từ tài khoản chuyên dụng để kiểm soát chi tiêu của nhà thầu trong liên danh, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, ưu tiên giải ngân trước cho các nhà cung ứng nhằm bình ổn giá vật tư, vật liệu.

Để bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án, “điều kiện cần” là năng lực và quyết tâm của nhà thầu, còn “điều kiện đủ” chính là sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nơi dự án đi qua. Các doanh nghiệp, nhà thầu đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải sớm hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn dự án thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho mỏ vật liệu mới, đường tiếp cận mỏ vật liệu và bãi đổ thải, hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 1/2023.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung ban hành theo thẩm quyền hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp quá trình đổi mới, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt liên quan mô hình BIM theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; áp dụng thí điểm mô hình thông tin công trình BIM cho dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II; sớm có ý kiến về các định mức thi công chưa phù hợp mà ngành giao thông đề nghị.

Các địa phương chỉ đạo, sớm giao mỏ vật liệu mới cho nhà thầu được lựa chọn trước ngày 20/1/2023 và chỉ đạo các ngành chức năng địa phương công bố các chỉ số giá, đơn giá vật tư, vật liệu hằng tháng phù hợp thực tế để thanh, quyết toán công trình. Nhà thầu cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải sớm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tách bạch vai trò của chủ đầu tư với vai trò quản lý dự án, đôn đốc địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng, nhất là tại các phạm vi “đường găng” tiến độ; vận động nhân dân chia sẻ với nhà thầu khi sử dụng đường tiếp cận vào công trường; lập kế hoạch thi công tổng thể và xác lập rõ vai trò, trách nhiệm từng chủ thể tham gia, công bố để người dân giám sát việc thực hiện theo phương châm “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm” ■

Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông với mục tiêu: “Đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông” và “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc”. Chính phủ xác định, đến năm 2025, phải hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc, hiện nay đã khai thác hơn 1.400km, tiếp tục hoàn thành 1.600km. Dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2025 và khai thác, vận hành từ năm 2026.

(Nguồn: Bộ Giao thông vận tải)