Triển khai công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

NDO - Ngày 11/6, tại Đà Nẵng, Hội đồng Giáo sư Nhà nước tổ chức hội nghị công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) năm 2024, khu vực miền trung.. Đông đảo các chuyên gia, các ứng viên tham gia, trao đổi về các hoạt động chuẩn bị công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Trần Anh Tuấn lưu ý các ứng viên khi làm hồ sơ xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS
PGS, TS Trần Anh Tuấn lưu ý các ứng viên khi làm hồ sơ xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS

Theo PGS, TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, năm 2024, cả nước có 110 Hội đồng Giáo sư cơ sở với tổng số 1.033 ứng viên đăng ký (gồm 93 ứng viên Giáo sư, 940 ứng viên Phó Giáo sư).

Các hội đồng và ứng viên theo khu vực gồm: Khu vực miền bắc có 64 Hội đồng Giáo sư cơ sở, 534 ứng đăng ký (45 ứng viên GS, 489 ứng viên PGS); khu vực miền trung có chín Hội đồng Giáo sư cơ sở với 112 ứng viên đăng ký (chín ứng viên GS, 103 ứng viên PGS); khu vực miền nam có 37 Hội đồng Giáo sư Cơ sở, 387 ứng viên đăng ký (39 ứng viên GS, 348 ứng viên PGS).

Trong số các Hội đồng Giáo sư Cơ sở, hội đồng có số ứng viên đăng ký nhiều nhất là 33 ứng viên (bảy ứng viên GS, 26 ứng viên PGS); hội đồng có số ứng viên đăng ký ít nhất là một ứng viên PGS. Đáng chú ý, năm 2024, có năm Hội đồng Giáo sư Ngành, liên ngành tổ chức xét hồ sơ trực tuyến (Công nghệ thông tin, Điện-Điện tử-Tự động hóa, Thủy lợi, Toán học, Vật lý).

Hội đồng Giáo sư Nhà nước lưu ý các ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cần những tiêu chuẩn bắt buộc là giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục đại học nhóm ngành sức khỏe của Việt Nam. Trong đó, tiêu chuẩn xét bắt buộc đối với ứng viên GS là đã được bổ nhiệm PGS; ứng viên PGS phải có bằng TS; có sản phẩm từ nghiên cứu khoa học được tính điểm.

Ngoài ra, các ứng viên phải chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hướng dẫn chính nghiên cứu sinh, học viên cao học; chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên; chủ trì hoặc tham gia phát triển chương trình đào tạo, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được thẩm định đưa vào sử dụng là tiêu chuẩn bắt buộc đối với ứng viên GS; đủ thâm niên giảng dạy, giờ giảng, điểm công trình khoa học theo quy định…

Triển khai công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ảnh 1

Các chuyên gia, ứng viên tham dự.

Hội đồng Giáo sư Cơ sở thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ ứng viên; phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Hội đồng Giáo sư Cơ sở cũng phối hợp với người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện hồ sơ, báo cáo kết quả xét lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Đối với Hội đồng Giáo sư Ngành, liên ngành tổ chức thẩm định hồ sơ ứng viên và kết quả xét của Hội đồng Giáo sư Cơ sở; xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu khoa học, định hướng nghiên cứu của ứng viên; đánh giá cho điểm các công trình khoa học…

Một số điểm đáng lưu ý, đối với Hội đồng Giáo sư các cấp khi tổ chức xét đạt tiêu chuẩn, từng thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành phải viết bản nhận xét (nêu rõ điểm mạnh, điểm yếu về chuyên môn và kết luận ứng viên có đủ hoặc không đủ điều kiện) trước khi biểu quyết cho ứng báo cáo khoa học tổng quan. Quá trình biểu quyết bằng phiếu kín tại Hội đồng Giáo sư Cơ sở và Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu của tổng số thành viên hội đồng; tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước phải đạt ít nhất 1/2 số phiếu của tổng số thành viên hội đồng.

Triển khai công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ảnh 2

Ứng viên GS, PGS năm 2024 trao đổi tại hội nghị

Tại hội nghị, các ứng viên, thành viên các Hội đồng Giáo sư Cơ sở đã nêu ra các vấn đề về thời điểm, quy cách triển khai hồ sơ của ứng viên; các vấn đề liên quan đến công trình nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học trong quá trình đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Các chuyên gia, ứng viên cũng tìm hiểu, chia sẻ về cách thức xác định tác giả chính trong các bài báo khoa học quốc tế có nhiều tác giả; xác định đề tài khoa học các cấp; cách tính điểm khi ứng viên đi học tập …

PGS, TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước lưu ý hồ sơ đã nộp, sau ngày 1/7 thì ứng viên không được thay đổi và không nộp lại; nếu chỉnh sửa sẽ thành sai lệch hồ sơ so với đăng ký sẽ bị loại. Đối với việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học (bài báo) là tiêu chuẩn bắt buộc đối với ứng viên GS, PGS. Khái niệm tác giả chính được hiểu là tác giả đứng đầu, là tác giả liên hệ duy nhất của bài báo. Quá trình xét ứng viên, cơ sở giáo dục đại học nào có Hội đồng Giáo sư Cơ sở thì ứng viên là giảng viên của trường đó phải xét ở hội đồng trường đó. Nếu trường không đủ chuyên gia thẩm định theo quy định thì phải mời chuyên gia bên ngoài đủ tiêu chuẩn tham gia thẩm định hồ sơ ứng viên.

PGS, TS Trần Anh Tuấn cũng lưu ý các ứng viên, hội đồng xét tránh trường hợp nhầm lẫn mẫu hồ sơ giữa chức danh GS và chức danh PGS…