Minh bạch, chính xác trong xét tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

Trong 5 năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành liên quan đến đội ngũ trí thức, trong đó có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Vì vậy, hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp đã được đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng Giáo sư nhà nước triển khai các hoạt động xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
Hội đồng Giáo sư nhà nước triển khai các hoạt động xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Theo Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN), để hoạt động xét công nhận đạt chuẩn hiệu quả, trong 5 năm qua, HĐGSNN đã ban hành hơn 165 văn bản các loại để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn hội đồng giáo sư các cấp; phê duyệt danh mục tạp chí khoa học được tính điểm theo từng năm.

HĐGSNN cũng triển khai công tác xét GS, PGS phù hợp yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS ở các hội đồng giáo sư các cấp được đăng tải công khai, minh bạch trên trang web của cơ sở giáo dục đại học và cổng thông tin điện tử của HĐGSNN, tạo được sự quan tâm rộng rãi và đồng thuận của dư luận xã hội.

PGS, TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐGSNN cho biết, điểm đáng chú ý là hội đồng giáo sư các cấp đã phát huy sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề mới, phi truyền thống, như: Xác định các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín; xử lý các trường hợp vi phạm...

Văn phòng HĐGSNN đã phối hợp các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc công tác giám sát và hỗ trợ tại hội đồng giáo sư các cấp; rà soát hồ sơ ứng viên sau mỗi vòng xét.

Các phiếu rà soát đối với các hồ sơ ứng viên là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội đồng giáo sư các cấp đánh giá chính xác, xét duyệt đúng quy định, giải quyết kịp thời những đơn thư, kiến nghị, phản ánh của công dân và báo chí.

Vì vậy, công tác tổ chức xét duyệt theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tính liêm chính học thuật; xét kỹ mối liên hệ chặt chẽ giữa các công trình khoa học và định hướng nghiên cứu của ứng viên, bảo đảm tính thực chất và chất lượng nghiên cứu khoa học của các ứng viên.

Trong đó, quy định về các bài báo quốc tế có uy tín trong tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS là một bước tiến đáng ghi nhận so với trước đây, góp phần quan trọng thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học và đội ngũ giảng viên theo hướng hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, những đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo được HĐGSNN phối hợp với hội đồng giáo sư các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý, minh bạch, khách quan và trả lời công khai theo quy định.

Trong 5 năm qua, có tổng số 162 ý kiến phản ánh của xã hội, đơn thư, email kiến nghị, phản ánh... Hội đồng giáo sư các cấp đã xử lý xong 100% các đơn thư kiến nghị, phản ánh, tố cáo về các ứng viên, bảo đảm công bằng, chính xác.

Kết quả, trong 5 năm qua, trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch HĐGSNN đã ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 2.184 ứng viên (gồm 247 ứng viên GS, 1.937 ứng viên PGS).

Nếu so sánh số ứng viên nộp hồ sơ xét tại các hội đồng giáo sư cơ sở, qua các hội đồng xét thì số ứng viên được thông qua tại HĐGSNN đạt tỷ lệ 69,8%.

Theo đánh giá của HĐGSNN, kết quả xét đạt chuẩn chức danh GS, PGS tuy còn khiêm tốn so với nhu cầu trong các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc, nhưng các ứng viên được bổ nhiệm đã được các cơ sở giáo dục đại học đánh giá cao về trình độ, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, góp phần nâng vị thế của đội ngũ GS, PGS Việt Nam.

Đội ngũ GS, PGS đã đóng góp tích cực phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao của các cơ sở giáo dục đại học.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực nhưng theo các nhà khoa học, các quy định về bài báo quốc tế uy tín, sách chuyên khảo, tiêu chí để công trình khoa học được tính điểm trong xét GS, PGS còn một số điểm chưa tường minh dẫn đến sự “lạm dụng” khái niệm sách chuyên khảo hay ứng viên công bố quá nhiều các công trình khoa học trong một thời gian ngắn khiến dư luận nghi ngờ tính nghiêm túc.

Mặt khác, quy định bắt buộc số lượng các bài báo quốc tế uy tín như nhau cho mọi đối tượng ứng viên thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau, đã gây khó khăn đối với một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn, văn hóa-nghệ thuật, thể dục thể thao.

Ở một số hội đồng giáo sư cơ sở hoặc hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, việc xác định tạp chí quốc tế, nhà xuất bản quốc tế uy tín vẫn còn lúng túng; thẩm định các công trình khoa học vẫn thiên về kiểm đếm số lượng, chưa đánh giá kỹ chất lượng nội dung của từng công trình khoa học...

Vấn đề liêm chính khoa học đã được các hội đồng giáo sư các cấp ngày càng chú trọng hơn trong quá trình thẩm định hồ sơ, nhưng chưa được áp dụng đồng đều giữa các hội đồng, đặc biệt là giữa các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành…

Vì vậy, để công tác xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS ngày càng hiệu quả, chuẩn xác, thiết thực, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp hơn với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Hội đồng giáo sư các cấp cần phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo với trách nhiệm cao hướng tới mục tiêu giảm thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, cải tiến quá trình xét và thẩm định hồ sơ.

Quá trình xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS cần đề cao về chất lượng, rõ ràng về định lượng, định tính; đánh giá chuyên môn của ứng viên phải đúng thực chất và gắn với đóng góp gia tăng tri thức, phát triển kinh tế-xã hội và tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách của quốc gia và của nhân loại.

Xây dựng quy trình đánh giá chất lượng Tạp chí khoa học được tính điểm theo hướng thống nhất, chuẩn hóa, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch...