Nâng cao chất lượng xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Giáo sư, phó giáo sư là chức danh cao quý của những người giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư cần chú trọng chuyên môn, học thuật, liêm chính và uy tín khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng viên giáo sư năm 2022 trình bày báo cáo tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường đại học Giao thông vận tải. (Ảnh XUÂN KỲ)
Ứng viên giáo sư năm 2022 trình bày báo cáo tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường đại học Giao thông vận tải. (Ảnh XUÂN KỲ)

69,3% số ứng viên đạt tiêu chuẩn

Theo Hội đồng Giáo sư Nhà nước, chuẩn bị cho công tác xét công nhận đạt chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2022, Hội đồng đã triển khai rà soát, chỉnh sửa các biểu mẫu; lựa chọn, giới thiệu thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2022; rà soát, bổ sung danh mục tạp chí tính điểm; tập huấn cho ứng viên và thành viên hội đồng giáo sư các cấp. Cả nước có 102 Hội đồng Giáo sư cơ sở có ứng viên đăng ký gồm 82 ứng viên GS, 541 ứng viên PGS. Tuy nhiên, sau đợt tập huấn, một số ứng viên nhận thấy chưa đáp ứng tiêu chuẩn nên không nộp hồ sơ. Kết quả có 553 ứng viên nộp hồ sơ tại 98 Hội đồng Giáo sư cơ sở (60 ứng viên GS, 493 ứng viên PGS).

Quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn được phần lớn Hội đồng Giáo sư cơ sở triển khai kỹ lưỡng. Điển hình tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 có hai ứng viên PGS. Theo GS, TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, trong quá trình xét, trường đã mời GS, TS Nguyễn Trọng Hoài (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) sang làm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở của trường.

Quá trình tổ chức xét, các ứng viên phải trình bày báo cáo tổng quan và các hướng nghiên cứu bằng tiếng Anh, bảo đảm quy trình chặt chẽ. Trong khi đó, tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường đại học Giao thông vận tải, ứng viên GS duy nhất là Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình khi trình bày báo cáo tổng quan đã được thành viên hội đồng đặc biệt chú trọng đến các công bố quốc tế, các đề tài, công trình khoa học có phù hợp với hướng nghiên cứu, giảng dạy của ứng viên hay không nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong giảng dạy, nghiên cứu và công bố quốc tế...

Với các bước triển khai chặt chẽ của từng cấp hội đồng, nhiều ứng viên đã bị loại. Kết quả, 98 Hội đồng Giáo sư cơ sở đã đề nghị lên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 490 ứng viên (53 ứng viên GS, 437 ứng viên PGS), đạt tỷ lệ 88,6% so với số hồ sơ xét. Trong quá trình rà soát hồ sơ tiếp theo, có 11 ứng viên xin rút, còn 479 ứng viên tham gia xét.

Kết quả, tại 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có 394 ứng viên được thông qua (36 ứng viên GS và 358 ứng viên PGS); 85 ứng viên không đạt tiêu chuẩn (15 ứng viên GS, 70 ứng viên PGS). Trước phiên họp của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, tiếp tục có ba ứng viên PGS có đơn xin rút hồ sơ, còn 391 ứng viên được đưa ra xét tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Tại phiên họp của Hội đồng Giáo sư Nhà nước tiếp tục xem xét đối với từng ứng viên và kết quả thẩm định, đánh giá về các trường hợp cần lưu ý và các trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh của xã hội liên quan đến nội dung chuyên môn, học thuật, tính liêm chính và uy tín khoa học. Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã biểu quyết thông qua các ứng viên được đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Kết quả, số ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm theo quy định là 383 ứng viên (34 ứng viên GS, 349 ứng viên PGS), tám ứng viên bị loại. Như vậy, so với số ứng viên đăng ký qua quá trình xét có hàng trăm ứng viên bị loại. Tỷ lệ đạt tiêu chuẩn so với tổng số ứng viên nộp hồ sơ ban đầu tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở là 69,3% (GS là 56,7%, PGS là 70,8%).

Quan tâm chuyên môn và liêm chính khoa học

PGS, TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, năm 2022 là năm thứ tư thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và là năm thứ ba thực hiện Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xét chức danh GS, PGS. Để thực hiện nghiêm các quy định, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã quán triệt hội đồng các cấp thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên.

Trong đó, hội đồng giáo sư các cấp quan tâm vấn đề chuyên môn, học thuật, liêm chính khoa học trong các công trình; xem xét giải quyết theo đúng quy định các ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hồ sơ ứng viên. Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng cử cán bộ tham dự giám sát và hướng dẫn công tác xét tại khoảng 70% các Hội đồng Giáo sư cơ sở, 100% Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Quá trình xét Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã dành phần lớn thời gian thảo luận, trao đổi kỹ về thành tích đào tạo, nghiên cứu khoa học và uy tín chuyên môn của các ứng viên, đặc biệt dành nhiều thời gian thảo luận trao đổi kỹ về các ứng viên có đơn thư tố cáo, phản ánh của xã hội sau khi đã xét ở các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.

Điểm đáng chú ý của công tác xét chức danh năm nay là việc đưa thông tin ứng viên đạt tiêu chuẩn trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học và trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã phản ánh tính công khai, minh bạch. Những thông tin phản biện từ xã hội, cộng đồng các nhà khoa học đều được hội đồng giáo sư các cấp xem xét cẩn trọng và là nguồn thông tin hữu ích trong lựa chọn những ứng viên đủ điều kiện và xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022.

Cũng theo PGS, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của các cơ sở giáo dục đại học và hội đồng giáo sư các cấp. Tuy nhiên, ở một số hội đồng vẫn còn tình trạng xem xét, thẩm định hồ sơ không kỹ, đẩy trách nhiệm quyết định lên hội đồng giáo sư cấp trên, thực hiện quy trình báo cáo tổng quan còn hình thức, chậm báo cáo kết quả xét làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Vì vậy, trong những năm tới, Hội đồng Giáo sư Nhà nước tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Năm 2022, trong số 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có 27 hội đồng có ứng viên được đề nghị và một hội đồng không có ứng viên được đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

- Trong số 27 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có ứng viên được đề nghị xét, có 20 ngành, liên ngành có tỷ lệ 100% số ứng viên đạt đủ tín nhiệm theo quy định; bảy ngành, liên ngành có tỷ lệ ứng viên bị loại từ 4% đến 50% sau vòng xét của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

- Ngành, liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục thể thao có tỷ lệ ứng viên bị loại nhiều nhất 50% (bốn trong số tám ứng viên) sau vòng xét của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

- Trong số 34 ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm chức danh GS, ngành Y học có số ứng viên đạt nhiều nhất gồm bảy người.

- Trong 349 ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm chức danh PGS, ngành Kinh tế có số ứng viên đạt nhiều nhất gồm 48 người.