Trí tuệ nhân tạo có thể dự báo bệnh mất trí nhớ sớm hơn 2 năm

NDO -

Một nghiên cứu mới cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự báo một người sẽ mất trí sớm hơn 2 năm. Các nhà nghiên cứu hy vọng công nghệ này sẽ giúp làm giảm chẩn đoán sai và giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng bệnh sớm hơn.

Cụ ông Nhật Bản nắm tay vợ, người được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ ở Kawasaki, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Cụ ông Nhật Bản nắm tay vợ, người được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ ở Kawasaki, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Theo đài RT (Nga), các nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter (Anh) đã thu thập dữ liệu từ trên 15 nghìn bệnh nhân trong phòng khám bệnh về trí nhớ ở Mỹ. Sau đó, họ sử dụng thông tin này để “huấn luyện” các thuật toán học máy giúp chúng phát hiện các mẫu bệnh trong số đó. Sau khi phân tích dữ liệu này, AI có thể phát hiện người nào sẽ phát triển chứng mất trí trong vòng 2 năm tới với độ chính xác lên đến 92%. Nghiên cứu này được các nhà khoa học công bố hôm thứ 16/12.

Khoảng 258 biến số đã được phân tích để xác định nguy cơ sa sút trí tuệ của từng bệnh nhân. Thuật toán học máy có thể đạt đến mức độ chính xác 91% chỉ với 6 trong các biến số này.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 8% bệnh nhân đã bị chẩn đoán nhầm chứng sa sút trí tuệ. Hệ thống AI tìm thấy 80% các chẩn đoán nhầm này.

Hiện tại, các bác sĩ có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ để dự báo nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ của bệnh nhân trong một thời gian dài hơn, chẳng hạn điểm nguy cơ CAIDE - dự đoán nguy cơ mất trí nhớ trong 20 năm ở người trung niên; và điểm BDSI - xác định những bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ bị sa sút trí tuệ trong 6 năm tới. Tuy nhiên, chưa có biện pháp hỗ trợ nào được phát triển để dự đoán sự khởi phát của tình trạng bệnh trong một thời gian ngắn như vậy.

Tác giả nghiên cứu, Giáo sư David Llewellyn cho biết: “Điều này có khả năng cải thiện đáng kể quy trình chẩn đoán bệnh, giúp các gia đình có thể tiếp cận các biện pháp hỗ trợ y tế kịp thời và chính xác nhất có thể”.

Bệnh nhân thường đến khám tại các phòng khám trí nhớ khi bị suy giảm nhận thức nhẹ, sau đó bệnh sẽ tiến triển thành sa sút trí tuệ. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng bằng cách sàng lọc những người có nhiều nguy cơ phát triển tình trạng bệnh này, họ có thể giúp các bác sĩ sớm hỗ trợ những người cần được chăm sóc theo dõi.

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ được sử dụng chung cho hàng loạt các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Trong đó, bệnh Alzheimer là bệnh phổ biến nhất. Theo Alzheimer’s Disease International, có trên 55 triệu người trên toàn thế giới sống chung với chứng sa sút trí tuệ vào năm 2020. Con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi, đạt 78 triệu người vào năm 2030 và 139 triệu người vào năm 2050, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng trên toàn thế giới.