Tri ân những người bảo vệ biên giới

Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; qua đó, khích lệ, động viên các cựu chiến binh, người có công vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Ðội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang) tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Ðội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang) tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng các cơ chế, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của địa phương đối với cựu chiến binh và người có công; huy động nguồn lực để rà phá bom, mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ.

Tỏa sáng đạo lý uống nước nhớ nguồn

Chiều 14/2, đoàn giáo viên, học sinh của Trường THCS Lê Lợi, thành phố Hà Giang có buổi hoạt động ngoại khóa "Hành quân theo bước chân anh" tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Hoạt động này được trường tổ chức từ năm học 2022-2023; được chia thành hai tuyến: Tuyến thứ nhất dành cho khối lớp 6 và 7 đi dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên; tuyến thứ hai dành cho khối 8 và 9 đi đến các địa danh lịch sử và dâng hương Ðền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại xã biên giới Thanh Thủy.

Thầy Hoàng Hải Ðăng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi cho biết: "Các em được nghe cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên kể về những năm tháng sống, chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, chuyện về những tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Qua đó, các em được giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước, tạo động lực rèn luyện, phấn đấu trong học tập".

Trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người tham gia bảo vệ biên giới phía bắc được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang quan tâm bằng hành động cụ thể.

Từ năm 2016 đến 2022, Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên được Nhà nước nâng cấp, mở rộng, Ðền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên được các cựu chiến binh, nhà hảo tâm quyên góp xây dựng quy mô, khang trang, sạch đẹp. Hiện nay, cả hai địa điểm trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước, cũng là điểm đến tri ân của các cựu chiến binh và là điểm đến của du khách mỗi khi lên với vùng cao Hà Giang.

Trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người tham gia bảo vệ biên giới phía bắc được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang quan tâm bằng hành động cụ thể.

Ông Sùng Ðại Hùng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: Hoạt động tri ân có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhất của tỉnh Hà Giang là chương trình xóa nhà tạm cho cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo nơi biên giới. Nguồn vốn đầu tư được xã hội hóa hoàn toàn từ sự đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc. Từ năm 2019-2022, tỉnh đã huy động hơn 400 tỷ đồng và gần 342 nghìn ngày công đóng góp để làm nhà mới bảo đảm "cứng tường, cứng nền, bền mái" cho 6.700 hộ, trong đó có 605 hộ cựu chiến binh và 249 gia đình chính sách.

Tỉnh quan tâm chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công đầy đủ, kịp thời. Ðến nay, tỉnh đã chi trả chế độ cho gần 18 nghìn người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 theo Quyết định số 62/2011/QÐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; 57 nghìn người là dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015/QÐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung rà phá bom, mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Chiến tranh đã lùi xa trên vùng đất biên cương cực bắc Tổ quốc, nhưng hậu quả để lại cho hôm nay vẫn còn rất lớn. Theo số liệu thống kê, tỉnh Hà Giang còn hơn 60.000ha đất bị ô nhiễm bom, mìn. Trên những vùng đất còn ô nhiễm bom, mìn ở các xã biên giới còn khoảng 1.200 liệt sĩ đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt.

Núi rừng biên giới thời tiết khắc nghiệt, hài cốt các chiến sĩ nằm trong hang núi, dưới hào sâu càng để lâu thì cơ hội tìm kiếm càng trở nên khó khăn. Do đó, công tác rà phá bom, mìn để phục vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và tạo quỹ đất sạch cho người dân biên giới canh tác được cấp ủy, chính quyền Hà Giang đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua.

Mới đây nhất, sau khi xác định còn nhiều liệt sĩ nằm lại trên những điểm cao có diện tích hơn 1.700ha còn ô nhiễm bom, mìn tại các xã biên giới Thanh Ðức, Thanh Thủy, Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã xây dựng đề án rà phá bom, mìn, quy tập hài cốt liệt sĩ và đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Năm 2020, hàng chục đơn vị đã lên biên giới Vị Xuyên để tập trung tham gia rà phá bom, mìn, vật liệu nổ. Dù điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm cao, đến cuối năm 2020 các đơn vị đã bàn giao diện tích đất sạch cho Ðội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang.

Ðại tá Nguyễn Minh Khôi, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết, các liệt sĩ hy sinh đã lâu nên chậm ngày nào là cơ hội tìm thấy hài cốt khó khăn ngày đó. Với "mệnh lệnh từ trái tim", các thành viên trong đội tìm kiếm đã cố gắng, chạy đua với thời gian, vào từng khe đá, bới từng tấc đất trong điều kiện thời tiết, địa hình nơi biên giới khắc nghiệt. Ðến nay, đội đã tìm kiếm trên diện tích 740ha, khối lượng đất đá đào lấp hơn 16.000m3. Chỉ tính riêng năm 2022, đã phát hiện 20 bộ hài cốt liệt sĩ, nâng tổng số hài cốt liệt sĩ đã tìm thấy trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2013 đến nay lên 181 bộ và một mộ tập thể.

Từ Ðền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, phóng tầm mắt nhìn lên các thôn vùng biên của xã Thanh Thủy, Thanh Ðức, Xín Chải, rừng đã phủ xanh các điểm cao năm xưa bị cày xới bởi bom đạn; dưới thung lũng, trên sườn đồi là những vạt ngô xanh mướt.

Ông Ðặng Văn Thạy, Trưởng thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cho biết: "Từng vạt đồi, khe núi trong thôn trước kia đầy bom, mìn. Những năm qua, các đơn vị đã rà phá để tạo quỹ đất cho người dân sinh sống và canh tác. Người dân chúng tôi sống bằng nghề nông, mỗi tấc đất được rà phá đều "quý như vàng" bởi nó sẽ mở ra cơ hội để nhân dân phát triển kinh tế, bám đất, bám bản cùng với lực lượng chức năng bảo vệ biên giới".