Trẻ em nói về biến đổi khí hậu

Một bản tin dự báo thời tiết đặc biệt vừa phủ sóng nhiều kênh truyền hình lớn trên thế giới vài ngày qua đã truyền tải nhiều cảm xúc và thông điệp nhân văn. Bản tin này đặc biệt ở chỗ người dẫn chương trình (MC) là các em nhỏ với những dự báo về tương lai của chính các em trước những rủi ro, biến động từ cuộc khủng hoảng khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: weather.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: weather.com)

Sáng kiến do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và kênh truyền hình chuyên về thời tiết The Weather Channel (Mỹ) phối hợp thực hiện.

Bản tin dài 1 phút bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Arab, Hindi, Swahili, Thái và Bồ Đào Nha, được phát sóng tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên nhiều kênh truyền hình cũng như nền tảng trực tuyến. Trong bản tin, các MC nhí cập nhật thông tin thời tiết, cùng với một bản đồ thế giới cho thấy nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng.

Sau đó, chương trình đưa ra các dự báo khí hậu đến năm 2050 với hình ảnh cháy rừng, cảnh nhà cửa đổ sập do nước sông, biển dâng cao. Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo nhấn mạnh, quyết định của chúng ta hôm nay sẽ định hình cuộc sống của những thế hệ mai sau. Chiến dịch này là lời kêu gọi hành động khẩn cấp vì tương lai của con người và hành tinh xanh.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các nguy cơ với trẻ em như tình trạng khan hiếm nước sạch, bệnh tật, ô nhiễm không khí, các hình thái thời tiết cực đoan... tất cả yếu tố môi trường được coi là có ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình sinh trưởng của trẻ trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể từ ý thức đến thể chất.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho rằng những hậu quả này thật sự khắc nghiệt.

Theo UNICEF, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã khiến 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia phải rời bỏ quê hương trong vòng 5 năm qua, trong đó 95% số trẻ em phải di tản do bão lũ.

Chuyên gia Laura Healy của UNICEF cho biết, những dữ liệu được công bố chỉ là phần nổi, bởi hậu quả của biến đổi khí hậu đối với trẻ em trên thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Nữ chuyên gia nhấn mạnh, những trẻ em bị ảnh hưởng bởi các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu còn phải đối mặt với những tổn thương khác như bị tách khỏi cha mẹ hoặc trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người.

UNICEF cũng dự đoán tình trạng lũ lụt do nước sông, biển dâng cao có thể sẽ khiến 96 triệu trẻ em phải di tản trong vòng 30 năm tới, trong khi tình trạng gió lốc cũng có thể buộc 10,3 triệu trẻ em phải rời bỏ quê nhà.

Với gần 23 triệu người phải di tản trong 5 năm qua, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines trở thành những quốc gia có số người phải di tản do biến đổi khí hậu nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo UNICEF, ba quốc gia nêu trên có số người di tản nhiều nhất bởi họ là những nước có dân số đông hàng đầu thế giới và cũng do những kế hoạch sơ tán phòng ngừa trước thiên tai của chính phủ các nước này.

Trái lại, các nước ở châu Phi và những quốc đảo nhỏ lại là những nơi có số trẻ em phải di tản nhiều nhất. Cụ thể, khoảng 76% tổng số trẻ em ở Cộng hòa Dominica phải di tản trong 5 năm gần đây, trong khi đó con số này ở Cuba và đảo Saint-Martin, phía bắc Caribe, là 30%.

Biến đổi khí hậu là một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quyền trẻ em không được thực thi đầy đủ. Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Nada Al-Nashif khẳng định, bảo trợ xã hội toàn diện là điều cần thiết để bảo đảm quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ và thực thi ở mọi quốc gia, trong mọi hoàn cảnh.

Theo bà Nada Al-Nashif, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nêu rõ, tất cả trẻ em đều có quyền được hưởng an sinh xã hội và các biện pháp bảo trợ xã hội phải sẵn có, đầy đủ và dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và UNICEF, hơn 1,77 tỷ trong số 2,4 tỷ trẻ em trên toàn thế giới không được tiếp cận bảo trợ xã hội đầy đủ.

Tình trạng thiếu bảo trợ xã hội trong thời thơ ấu có tác động lâu dài đến hạnh phúc, sự phát triển, sức khỏe và kết quả học tập của trẻ em; ảnh hưởng việc trẻ em được hưởng các quyền con người, bao gồm quyền sống, quyền được giáo dục, sức khỏe, sống đầy đủ và quyền được vui chơi.