Lấp đầy lỗ hổng giáo dục vì tương lai tốt đẹp của trẻ em

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây cảnh báo, gần 7,6 triệu trẻ em ở Ethiopia phải nghỉ học do ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên và xung đột. Thực tế này gióng lên hồi chuông thúc giục thế giới phải hành động quyết liệt hơn để bảo đảm mục tiêu bao phủ giáo dục toàn cầu, bởi học tập là yếu tố quan trọng giúp những “mầm xanh” của nhân loại có tương lai tốt đẹp hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Hàng loạt số liệu mà UNICEF công bố gần đây đã phản ánh tình trạng gián đoạn học tập trầm trọng đối với trẻ em ở các quốc gia đang bị tàn phá bởi xung đột. Đây cũng là những nơi mà quyền trẻ em bị vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, theo UNICEF, khoảng 7,6 triệu trẻ em ở Ethiopia phải nghỉ học do ảnh hưởng của thiên tai, xung đột. Tổng cộng 8.552 trường học trên cả nước, tức gần 20% tổng số trường học tại Ethiopia bị hư hại một phần hoặc nghiêm trọng.

Trước đó, UNICEF ước tính, ở Sudan, khoảng 19 triệu trẻ em phải nghỉ học khi xung đột vũ trang tại nước này bùng nổ. Ít nhất 10.400 trường học bị đóng cửa ở các vùng bị ảnh hưởng bởi xung đột. Điều đáng nói là, ngay cả trước khi xung đột nổ ra vào giữa tháng 4 vừa qua, gần 7 triệu trẻ em tại Sudan đã không được đến trường.

Còn ở CHDC Congo, các cuộc giao tranh ở các tỉnh phía đông làm gián đoạn việc học của hơn 750.000 trẻ em.

Việc thiếu giáo dục gây ra những hậu quả ngay tức thì với trẻ em. Tổ chức Save the Children cảnh báo, nếu chiến tranh tại Sudan tiếp diễn, sẽ không có trẻ em nào ở quốc gia này có thể quay lại trường học trong những tháng tới. Đây sẽ là nguyên nhân đẩy các em vào hàng loạt mối nguy hiểm trước mắt và lâu dài, như phải di dời, bị tuyển dụng vào các nhóm vũ trang, trở thành nạn nhân của bạo lực hay lao động trẻ em...

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Gilbert F.Houngbo, tình trạng lao động trẻ em đang gia tăng với 160 triệu trẻ em phải lao động, chiếm gần 10% trẻ em trên toàn thế giới.

Tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục toàn cầu càng nới rộng thêm khoảng trống trong tiếp cận giáo dục ở một số khu vực trên thế giới.

Theo báo cáo của UNICEF, ở một số nước, trẻ em thuộc các gia đình nghèo được hưởng lợi ít hơn từ quỹ giáo dục công quốc gia. Cụ thể, ở các quốc gia có thu nhập trung bình như Bờ Biển Ngà hay Senegal, những học sinh giàu nhất nhận được chi tiêu giáo dục công nhiều hơn gấp bốn lần so với những học sinh nghèo nhất.

Ngay cả ở những nước giàu, sự bất bình đẳng trong giáo dục vẫn là một vấn đề gây nhức nhối. Báo cáo trên nêu rõ, ở các quốc gia có thu nhập cao, những học sinh giàu nhất thường được hưởng lợi từ chi tiêu giáo dục công nhiều gấp từ 1,1 đến 1,6 lần so với những học sinh nghèo nhất.

Tình trạng thiếu giáo viên cũng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, cản trở nghiêm trọng nỗ lực giáo dục tri thức cho thế hệ tương lai.

Theo UNICEF, ở Sudan, chi tiêu cho các dịch vụ xã hội đã giảm mạnh, khiến giáo viên ở hầu hết các khu vực không có lương kể từ khi xung đột vũ trang bùng phát. Đồ dùng học tập thiếu thốn và cơ sở vật chất cũng chưa được bảo trì.

Ở những quốc gia đang xảy ra giao tranh, xung đột, trường học không còn là môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em thu nạp kiến thức, mà trở thành mục tiêu tấn công của các phe phái.

Tại CHDC Congo, có đến gần 1.700 trường học phải đóng cửa do tình trạng mất an ninh kéo dài.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ, Canada cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu giáo viên... do gián đoạn thị trường lao động bởi đại dịch Covid-19, cùng các vấn đề về lương bổng và chế độ phúc lợi.

Bảo đảm một nền giáo dục bình đẳng, chất lượng cho tất cả mọi người là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lộ trình thực hiện mục tiêu này đang có nguy cơ chệch hướng.

UNICEF kêu gọi các nước chung tay đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục cho trẻ em, đặt quyền lợi trẻ em làm trung tâm của các chính sách nhằm bảo đảm tương lai cho các em cũng như tương lai của cộng đồng.