Định hướng xây dựng, phát triển đất nước-lý luận và thực tiễn

Trau dồi đạo đức cách mạng, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” có nhiều chỉ đạo quan trọng về công tác xây dựng Đảng, trong đó việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên tiếp tục được khẳng định là nhiệm vụ quan trọng. Bài viết nêu rõ: xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Tranh của hoạ sỹ PHAN KẾ AN.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Tranh của hoạ sỹ PHAN KẾ AN.

Theo bác Vũ Văn Hùng, ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), sức mạnh của Đảng do sức mạnh từ mỗi đảng viên cộng lại, nhân lên. Thời gian qua, nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ đảng viên mà các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện Đại Từ luôn quan tâm công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, động viên khuyến khích tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong triển khai nhiệm vụ chính trị. Năm 2023, Huyện ủy Đại Từ đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 07-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m”, giai đoạn 2023-2025, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhưng khó ở chỗ đường xưa vốn nhỏ, để mở rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến diện tích đất ở, nhà ở của người dân. Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cán bộ và đảng viên toàn huyện Đại Từ tự giác thực hiện trước, vận động người thân, làng xóm làm theo, biến việc hiến đất làm đường thành phong trào thi đua, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Trưởng thôn Đồng Mạc (xã Tiên Hội) Liễu Trần Khuyến vận động gia đình dỡ nhà, đập hơn 60m tường rào, lùi sâu gần 3m để xóm mở đường. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Dưới 1, xã Văn Yên Nguyễn Văn Hảo tự nguyện đập bỏ toàn bộ hàng rào tiếp giáp với đường giao thông, hiến 41m dài, rộng 1m. Sau một năm triển khai, huyện Đại Từ đã mở hơn 200 km đường xóm 6m, trong đó nhân dân hiến gần 34 ha đất, giá trị tài sản phải dỡ bỏ trị giá hơn 56 tỷ đồng. Sự thành công trong triển khai Nghị quyết đã tạo thuận lợi cho nhiều hộ gia đình trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và phát huy thế mạnh mở mang ngành nghề mới như du lịch sinh thái, trồng cây ăn quả…

Phó Bí thư Huyện ủy Đại Từ (Thái Nguyên) Nguyễn Mạnh Hoạt cho biết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đặc biệt là chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Huyện ủy chú trọng. Huyện ủy tiến hành quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, ngoài chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đổi mới sinh hoạt chi bộ, Huyện ủy đã ban hành các nghị quyết, đề án về đẩy mạnh kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Kết quả cho thấy chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên rõ rệt. Nổi bật là vai trò nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu đã được phát huy mạnh mẽ, tạo điểm tựa giúp các cấp ủy đảng hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nổi bật là năm 2023, Đại Từ được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Đảng bộ huyện được công nhận trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác vẫn còn một số đảng viên chưa gương mẫu, vi phạm kỷ luật dẫn đến làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Để khắc phục hạn chế, bảo đảm mỗi đảng viên thật sự là tế bào của Đảng, theo bác Vũ Văn Hùng thì Huyện ủy cần quan tâm công tác trau dồi, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên. Huyện ủy cần có nhiều hình thức tuyên truyền, quán triệt, học tập sâu rộng đến cán bộ, đảng viên Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Cùng với đó, các cấp ủy đảng bám sát chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, triển khai các giải pháp phù hợp tình hình địa bàn như nâng cao chất lượng tạo nguồn phát triển Đảng; tăng cường phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng…

Trách nhiệm và quyết tâm mở ra hướng đi mới từ chuyển đổi số

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại.

Theo Tổng Bí thư, quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa bảo đảm bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Thực tế quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, khi cấp ủy, ban lãnh đạo có nhận thức đúng, đủ, thống nhất quyết tâm và hành động thì việc chuyển đổi tư duy, cách làm dù khó mấy cũng trở nên khả thi và tạo cơ hội cho chính mình trong xu thế cạnh tranh và phát triển.

Bí thư Chi bộ, Giám đốc Bệnh viện, Thầy thuốc nhân dân Hà Hữu Tùng cho biết, thực hiện chủ trương về chính phủ điện tử, số hóa trong công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ từ năm 2017. Quá trình triển khai bệnh án điện tử ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, cả người bệnh và nhân viên y tế đều lúng túng, lo lắng khi chưa có đơn vị nào sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy; đội ngũ nhân viên y tế chưa hiểu hết tầm quan trọng, ý nghĩa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; nghiệp vụ thay đổi, cùng với thực trạng thiếu các thiết bị cá nhân, hệ thống lưu trữ, nguồn internet, nguồn điện chưa bảo đảm đồng bộ… Với quyết tâm cao, lãnh đạo bệnh viện cùng các bộ phận chuyên môn phân tích và đánh giá thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh, điểm yếu để đưa ra phương án triển khai. Vừa làm vừa lấy ý kiến góp ý theo các chuyên ngành, bổ sung cho thực tế, nhằm tối giản thao tác nghiệp vụ đồng thời vẫn bảo đảm nghiệp vụ y tế. Nhờ các giải pháp thiết thực, phù hợp, sự thống nhất và quyết tâm cao, bệnh viện đã trở thành một trong sáu đơn vị tiên phong trên toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử.

Đến nay, bệnh viện đã số hóa toàn bộ quy trình khám, chữa bệnh, thanh toán viện phí điện tử không sử dụng tiền mặt; đồng bộ, lưu trữ, liên thông toàn bộ dữ liệu liên quan người bệnh không chỉ tại bệnh viện mà với cả cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế về hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú, khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng; giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, tăng thời gian cho nhân viên y tế khám bệnh, điều trị, chăm sóc, tư vấn cho người bệnh. Đặc biệt, người bệnh có thể đăng ký khám thông qua điện thoại, website, tự đăng ký thông qua ki-ốt thông tin, hẹn khám, truy cập hồ sơ sức khỏe cá nhân ở mọi lúc, mọi nơi.

Sự thay đổi trong triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, với các chức năng hỗ trợ người dùng, chức năng cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định, hỗ trợ giám sát, đã tạo ra hiệu quả khác biệt, như chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp Hà Hữu Tùng, chất lượng hồ sơ bệnh án nâng lên, tăng thời gian khám bệnh, đặc biệt là số lượng bệnh nhân ngoại trú, nội trú; giảm chi phí in phim, giấy tờ, mực in, máy móc phục vụ cho việc in ấn và lưu trữ hồ sơ, ước tính mỗi năm tiết kiệm cả chục tỷ đồng. Việc tối ưu hóa trong thủ tục hành chính giúp người dân không cần xếp hàng, thanh toán viện phí tại giường bệnh thông qua nhiều hình thức đa dạng như: chuyển khoản bằng mã quét QR động, quẹt thẻ thanh toán bằng POS, mini POS… Hiện nay, tỷ lệ thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt ở Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đã đạt hơn 80%, được đánh giá là tỷ lệ cao nhất cả nước.

Kinh nghiệm từ Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp là minh chứng cho hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về triển khai Chính phủ điện tử, minh bạch tài chính, hướng tới phục vụ nhân dân. Tiếp nối kết quả đạt được, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư với tư duy đổi mới không ngừng, từ Ban lãnh đạo đến từng nhân viên, quyết tâm cập nhật và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp không chỉ hướng tới mục tiêu trở thành bệnh viện công nghệ số hàng đầu khu vực mà còn mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành y tế.