Trao giải thưởng Loa Thành năm 2021 cho 5 đồ án tiêu biểu

NDO -

Lần thứ 33 tổ chức, mặc dù các nhà trường gặp nhiều trở ngại trong đào tạo do đại dịch Covid-19, nhưng Giải thưởng Loa Thành vẫn nhận được 188 đồ án dự thi. Trong đó, tiêu biểu có các trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức Giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 - năm 2021 trao Giải nhất tặng các tác giả tiêu biểu, xuất sắc.
Ban tổ chức Giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 - năm 2021 trao Giải nhất tặng các tác giả tiêu biểu, xuất sắc.

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 - năm 2021.

Theo nhận định của Hội đồng chuyên ngành Giải thưởng, năm nay, phần lớn các đồ án dự thi khối kỹ thuật và công nghệ xây dựng đạt yêu cầu về tính tổng hợp, hệ thống kiến thức, được thực hiện công phu, sát thực tế, có tính khả thi cao. Các đồ án khối kiến trúc và quy hoạch đạt chất lượng cao hơn so những năm trước, nhất là ở khâu chọn đề tài, nghiên cứu ý tưởng gắn với công cuộc chuyển đổi số.

Tuy nhiên, vẫn như mọi năm, các chủ đề về ứng phó thiên tai, phòng chống dịch bệnh hoặc các vấn đề bất cập ở vùng sâu, vùng xa của đất nước vẫn còn bị các kiến trúc sư né tránh. Một số đồ án nặng về hình thức, có khối lượng quá lớn, với thiết kế về các công trình đã thi công xong.

Chính vì vậy, Giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 đã không tìm được đồ án giành giải Đặc biệt. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 5 giải Nhất, 13 giải Nhì, 23 giải Ba và 23 giải Khuyến khích tặng các đồ án tiêu biểu.

Trong đó, đáng chú ý có đồ án “Thiết kế cầu Sông Bồ” của tác giả Đoàn Xuân Hưng, sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đồ án được Hội đồng chuyên ngành Giải thưởng đánh giá có chất lượng xuất sắc, nhiều năm mới xuất hiện, có tính tổng hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, có thể kể đến đồ án “Thiết kế kiến trúc cảnh quan 1 phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt-Phan Rang” của tác giả Lê Tấn Chung, Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Đồ án đã phục hồi, tái tạo không gian cảnh quan 1 phần tuyến đường sắt răng cưa - 1 đề tài hấp dẫn, mang hơi thở về phát triển kinh tế, du lịch dựa trên tiềm năng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên.