Cùng suy ngẫm

Tránh thất thu từ khoáng sản phát sinh

Trong những năm qua, các tỉnh, thành phố khu vực miền trung đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư lĩnh vực thép, dầu khí, chế tạo thiết bị, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Những dự án lớn tương ứng với quy mô đất đai, diện tích mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. Quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát sinh trữ lượng khoáng sản đất, đá, kim loại… là tài nguyên thiên nhiên của quốc gia. Tuy nhiên, công tác quản lý lỏng lẻo, bị động rất dễ dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: TRÌNH KẾ
Ảnh minh họa: TRÌNH KẾ

Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 ở Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2664/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2021, tổng khối lượng đất, đá hỗn hợp hạ độ cao nền trong quá trình giải phóng mặt bằng dự án là khoảng 12,3 triệu m3. Trữ lượng khoáng sản này chủ yếu là đất san lấp, đá phong hóa, bán phong hóa là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Thực tế trong quá trình san lấp mặt bằng thi công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 thì tổng khối lượng khoáng sản phát sinh từ dự án là 19,85 triệu m3, tăng rất nhiều lần so với dự báo khoảng 12,3 triệu m3 trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Trong số 18,2 triệu m3 đã khai thác có 5,8 triệu m3 được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, hơn 12 triệu m3 chưa được cấp phép nhưng chủ đầu tư đã sử dụng san lấp, xay nghiền phục vụ dự án và lưu chứa tại các bãi trữ tạm tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Việc phát sinh lượng khoáng sản lớn trong quá trình thi công dự án khiến tỉnh Quảng Ngãi và nhà đầu tư đều lúng túng.

Nguyên nhân là do mặc dù thu hút đầu tư nhiều dự án lớn ở lĩnh vực thép, dầu khí, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng… nhưng tỉnh Quảng Ngãi chưa có bãi chứa, bãi thải công nghiệp quy mô lớn để lưu trữ khoáng sản, hàng hóa, thiết bị… hay khu vực lưu trữ tạm khoáng sản phát sinh trong quá trình thi công các dự án, công trình.

Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công, san lấp mặt bằng, xây dựng theo lộ trình đầu tư nhằm giải ngân vốn, nhanh chóng vận hành, sản xuất hiệu quả nhất. Trong khi chờ giải quyết cái khó giữa các cơ quan chủ quản và nhà đầu tư thì hơn 8,3 triệu m3 đất, đá phong hóa từ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 chưa hoàn thành thủ tục, chưa được cấp phép nhưng doanh nghiệp dời, chuyển đến các bãi chứa tạm, gửi tạm ở các mỏ đá, doanh nghiệp chế biến khoáng sản ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh, thành phố lân cận.

Theo báo cáo của ngành chức năng, từ năm 2022 đến nay, vật liệu xây dựng chủ yếu là đất, đá phong hóa, đất đá hỗn hợp phát sinh từ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được nhiều doanh nghiệp vận chuyển từ Khu kinh tế Dung Quất lưu chứa ở nhiều bãi chứa, cảng biển tại tỉnh Quảng Nam với mục đích bán cho các công trình, dự án tại tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng.

Từ năm 2022 đến nay, hơn 240 chuyến tàu, vận chuyển hơn 354.200 tấn đất đá nói trên để cung cấp chính cho các dự án, công trình Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam và dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Trong số này, có khoáng sản nguồn gốc từ dự án thép Hòa Phát Dung Quất 2, các mỏ đá của tỉnh Quảng Ngãi rất lớn.

Nếu như công tác quản lý khoáng sản lỏng lẻo, lưu chứa tràn lan khó kiểm soát thì sẽ dẫn đến nguy cơ mua bán khoáng sản liên tỉnh trái phép, hoặc trục lợi tài nguyên gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Vì vậy, cần siết chặt công tác khai thác, quản lý khoáng sản có nguồn gốc từ các dự án, công trình đầu tư, tránh tình trạng “núp bóng” đầu tư dự án để khai thác, trục lợi tài nguyên thiên nhiên.

Để công tác quản lý khoáng sản chặt chẽ, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố cần tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản. Cần làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, dự báo chuẩn xác trữ lượng khoáng sản và thực hiện các thủ tục, khai thác trước khi thu hút đầu tư, bàn giao đất đai cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát trữ lượng khoáng sản phát sinh từ các dự án đầu tư và thu hồi; kiểm tra hoạt động khoáng sản và việc chấp hành quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khoáng sản...