Tránh bị lừa đảo tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia

NDO - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cảnh báo , người lao động trong nước không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào để đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo chương trình PALM .
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công dân Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp tại Hà Nội ngày 1/3/2024. Ảnh: Molisa
Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công dân Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp tại Hà Nội ngày 1/3/2024. Ảnh: Molisa

Ngày 16/5, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cảnh báo về việc xuất hiện một số cá nhân, tổ chức tuyển chọn lao động trái quy định để sang làm việc tại Australia.

Văn bản nêu rõ, ngày 1/3/2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại nước này theo chương trình PALM (The Pacific Australia Labour Mobility).

Thời gian qua đã xuất hiện một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin về chương trình PALM để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật. Các hành vi này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Theo kế hoạch thống nhất giữa hai bên, trong năm nay, Australia sẽ tiếp nhận 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước này trong ngành nông nghiệp.

Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đang phối hợp để lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tham gia chương trình PALM.

Các đơn vị này có trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp thông tin về chương trình đến người lao động, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động làm thủ tục hồ sơ xin cấp thị thực (visa) sang Australia làm việc, tổ chức khóa đào tạo miễn phí cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua đã xuất hiện một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin về chương trình để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật. Các hành vi này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng cảnh báo người lao động không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam sẽ thông báo chính thức danh sách doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình PALM trong thời gian tới.

Công văn cũng khuyến cáo, người lao động có nguyện vọng sang Australia làm việc thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để tránh bị lừa đảo.

Tiêu chí để người lao động Việt Nam tham gia chương trình PALM là từ 21 tuổi trở lên, đã có chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu IELTS 4.0 hoặc tương đương. Ứng viên cần đủ yêu cầu về sức khỏe, có kiến thức, kỹ năng nghề phù hợp và/hoặc kinh nghiệm làm việc và được người sử dụng lao động Australia tuyển chọn.

Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, việc tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa sáu doanh nghiệp Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia là dấu mốc quan trọng của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam trong hợp tác lao động Việt Nam-Australia.

Kết quả này thể hiện quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam ngày càng toàn diện, chặt chẽ, đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động Australia và nguyện vọng người lao động Việt Nam.