Tối 14/4, tại nhà ga Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chính thức vận hành đoàn tàu du lịch “Hành trình đêm Đà Lạt”, nối từ ga Đà Lạt đi ga Trại Mát (phường 11, thành phố Đà Lạt) và ngược lại.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Đoàn tàu du lịch "Hành trình đêm Đà Lạt". |
Theo đó, ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên vào ban ngày, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy thêm 2 đôi tàu ĐL11/Đ12 và ĐL3/ĐL14, xuất phát từ ga Đà Lạt vào các khung giờ 18 giờ 15 phút (ĐL11) và 20 giờ 20 phút (ĐL13) để phục vụ du khách. Ở chiều ngược lại, tàu ĐL12 xuất phát tại ga Trại Mát lúc 19 giờ 15 phút và ĐL14 xuất phát lúc 21 giờ 20 phút. |
Phát biểu trong đêm khai trương sản phẩm mới mang tên “Hành trình đêm Đà Lạt” trên xe lửa cổ, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đào Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, với mong muốn đóng góp thêm dịch vụ kết nối du lịch, phát triển kinh tế-xã hội, những năm gần đây, ngành đường sắt đã nỗ lực đổi mới nâng cấp nhà ga Đà Lạt, con tàu và phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, mà hướng tới mục tiêu mỗi hành trình đi tàu là để trải nghiệm, để thư giãn, để thưởng thức; con tàu là điểm “checkin di động”, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản. |
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngành đường sắt ý thức rằng, đường sắt không chỉ là của đường sắt, mà đường sắt là của đất nước, của người dân, của cộng đồng. Và, đường sắt không chỉ đơn thuần vận tải mà hành trình đường sắt còn là trải nghiệm cảm xúc, kết nối, chia sẻ, lan tỏa. |
Tuyến Đà Lạt-Trại Mát có chiều dài 6,7km, là phần còn lại của tuyến Tháp Chàm-Đà Lạt, dài 84km, nối Ninh Thuận-Lâm Đồng, được đưa vào khai thác năm 1932, do người Pháp xây dựng. Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam. |
Với hành trình chạy tàu khoảng 1 giờ (30 phút chiều đi, 30 phút chiều về) và tốc độ chạy tàu chậm, khoảng 15km/giờ, vào ban đêm, vẻ đẹp của phố núi Đà Lạt lại vô cùng huyền ảo, khác lạ. |
Hành trình đêm trên xe lửa cổ Đà Lạt, du khách được thoải mái thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của phố núi chập chùng, những ánh đèn lung linh từ những vườn rau, hoa và các khu du lịch. |
Trước khi lên tàu, du khách có thể thoải mái tham quan, check-in tại ga Đà Lạt, công trình kiến trúc cổ độc đáo, được lấy cảm hứng thiết kế từ núi Langbiang huyền thoại và mái nhà rông Tây Nguyên, hoặc check-in tại những toa tàu cổ mang phong cách Đông Dương. |
Cùng việc tăng cường sử dụng hệ thống chiếu sáng tại nhà ga, các toa tàu được trang trí chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED phục vụ du khách ghi hình kỷ niệm. |
Điểm khác biệt trên “Hành trình đêm Đà Lạt” bằng xe lửa cổ, là cùng với việc được thưởng thức âm nhạc, trà và sử dụng wifi miễn phí như các đoàn tàu khác, du khách có thể thưởng thức tiệc tối theo yêu cầu. |
Trên hành trình trải nghiệm Đà Lạt về đêm bằng xe lửa cổ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn (bên trái), cảm nhận: “Hành trình đêm Đà Lạt” là sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị, mang đến cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng dịch vụ và phát triển du lịch địa phương. |
Cũng trên hành trình mới lạ ấy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan (bìa trái), chia sẻ: Chương trình đoàn tàu du lịch “Hành trình đêm Đà Lạt” góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố. Đây là ý tưởng rất sáng tạo gắn với đề án phát triển kinh tế đêm Đà Lạt. |
Trong ngày khai trương, đường sắt Việt Nam chính thức mở phòng chiếu phim tài liệu về lịch sử hình thành ga Đà Lạt, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt. |
Cũng tại chương trình khai trương “Hành trình đêm Đà Lạt”, diễn ra mini show đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Thanh âm Mộc và Đà Lạt” với sự thể hiện của ca sĩ Mộc San, Quốc Đại, Hoàng Minh Viễn, Hiền Lê, Leo Minh Tuấn, ghi ta Nhật Đông, saxo Hoàng Thi. |
Du khách còn được thưởng thức phần trình diễn bộ sưu tập áo dài "Huyền thoại Đà Lạt và Đà Lạt bốn mùa hoa" của nhà thiết kế Đỗ Nguyễn. Hiện, các bên liên quan cũng đang xem xét việc cấp phép tổ chức các chương trình âm nhạc định kỳ về đêm tại Ga Đà Lạt. |
Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều sự kiện tại ga Đà Lạt, dọc tuyến đường tàu Đà Lạt-Trại Mát, như phát động phong trào “Đường tàu-Đường hoa” vận động người dân làm đẹp hai bên tuyến đường, chỉnh trang khuôn viên nhà ga, đầu máy, toa xe, tổ chức biểu diễn âm nhạc miễn phí, đám cưới độc đáo trên đoàn tàu hỏa... |
“Với “Hành trình đêm Đà Lạt”, ngành đường sắt mong muốn đây sẽ là sản phẩm độc đáo, góp phần phát triển du lịch và kinh tế đêm thành phố Đà Lạt và là sản phẩm khởi đầu cho việc hình thành cung ứng chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh, để ga Đà Lạt, tuyến Đà Lạt-Trại Mát trở thành điểm đến văn hóa, du lịch, ẩm thực… không thể thiếu của du khách trên hành trình trải nghiệm phố núi”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh kỳ vọng. |
Ga Đà Lạt, công trình kiến trúc cổ độc đáo, được lấy cảm hứng thiết kế từ dãy núi Langbiang huyền thoại và mái nhà rông Tây Nguyên. |
Tuyến Đà Lạt-Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”, có giá vé dao động từ 72.000 đồng đến 100.000 đồng cho một lượt đi hoặc về. Hành khách mua vé khứ hồi được giảm 25% giá vé, vé tập thể từ 10 người trở lên được giảm từ 15% đến 40% giá vé.
Hành khách có nhu cầu mua vé có thể truy cập vào các website: www.dsvn.vn; www.vetau.com.vn; qua ứng dụng ví điện tử Momo, ZaloPay, VNPay, ViettelPay, app bán vé tàu trên thiết bị di động… Hoặc liên hệ tại các nhà ga, điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc đường sắt Việt Nam; Tổng đài bán vé Sài Gòn: 19001520, Hà Nội: 19000109 để được phục vụ.