Để hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng xanh mà Việt Nam đặt ra, cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng xanh (Green growth) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tiếp cận mô hình tăng trưởng xanh.
Nhiều quốc gia phát triển đã vận dụng thành công xu hướng này và đạt được những thành tựu nổi bật như: Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore...
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nhiều sáng kiến nổi bật về tăng trưởng xanh, ban hành kịp thời khung chính sách toàn diện về tăng trưởng xanh cả trong ngắn hạn và dài hạn. Các quốc gia: Australia, UAE, Nhật Bản, Đan Mạch và Na Uy đã tham gia với Hàn Quốc tạo nên một tổ chức liên chính phủ trong lĩnh vực tăng trưởng xanh (Global Green Growth Institute-GGGI).
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tiếp cận mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012).
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được cải thiện rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng... Tuy nhiên, bên cạnh một số thành tựu đã đạt được, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải giải quyết và điều chỉnh cho phù hợp bối cảnh mới.
Đến nay, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được cải thiện rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng..
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Việt Nam đặt ra những mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững rất cao, nhằm hướng đến cam kết: năm 2050 đưa phát thải ròng carbon bằng 0; 75% năng lượng dự kiến đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2045; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh mà Việt Nam đặt ra được đánh giá là rất tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, đòi hỏi nỗ lực từ rất nhiều phía.
Về phía Chính phủ, cần tiếp tục triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và có chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm xã hội đối với các vấn đề về môi trường và tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Đồng thời, mỗi doanh nghiệp phải có sự thay đổi và thích ứng với chuyển đổi kép (vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh), thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng; tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, tập trung vào các chỉ số môi trường và xã hội trong từng sản phẩm.