Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài gắn với tăng trưởng xanh

Chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ðây là nền tảng quan trọng để tỉnh hướng tới nền công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất dây dẫn điện tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Sản xuất dây dẫn điện tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, quý I năm 2023 (tính đến ngày 15/3) tỉnh đã thu hút thêm 437 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, có 12 dự án đầu tư mới, sáu dự án điều chỉnh tăng vốn bổ sung và 27 doanh nghiệp góp vốn. Với kết quả này, tính chung đến nay tỉnh Bình Dương đã thu hút 4.097 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 39,7 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Ðã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, quy mô trung bình của mỗi dự án hiện ở mức gần 9,7 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng đã đầu tư vào tỉnh Bình Dương, như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản); Procter & Gamble (Mỹ); Kumho (Hàn Quốc); Uni-President (Ðài Loan-Trung Quốc); Lego (Ðan Mạch)… Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương có hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện, giao thông kết nối vùng thông suốt, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất được đào tạo... là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ cùng đoàn doanh nghiệp Singapore tại Bình Dương vào tháng 3/2023 mới đây, ông Kho Choon Keng, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing, Chủ tịch Ðiều hành Công ty TNHH tư nhân Dịch vụ Quản lý Lian Huat đã đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương và cho rằng, tỉnh có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Singapore tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều thách thức nhưng với vốn đầu tư FDI vào tỉnh như trên cho thấy, môi trường đầu tư tại Bình Dương hiện vẫn hấp dẫn doanh nghiệp. Ðặc biệt, trong quý I/2023, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW tại Bình Dương vẫn gọi vốn thành công 300 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế, tăng tổng vốn đầu tư vào Bình Dương của công ty này từ 600 triệu USD lên 900 triệu USD, trở thành một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại tỉnh Bình Dương. Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW được thành lập vào tháng 5/2018, là liên doanh giữa Warburg Pincus (Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới) với Tổng công ty Becamex IDC (là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam) và ESR (Quỹ quản lý tài sản lớn nhất châu Á Thái Bình Dương, quỹ đầu tư bất động sản được niêm yết lớn thứ ba thế giới). Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bình Dương, dòng vốn FDI vào Bình Dương thời gian gần đây có sự chuyển biến nhanh về chất lượng, nhất là nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo… đã lựa chọn Bình Dương làm điểm đến. Cụ thể như dự án nhà máy Lego (Ðan Mạch) với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, là Nhà máy trung hòa các-bon đầu tiên của Lego được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường được trao chứng nhận đầu tư năm 2022. Nhà máy không có khí thải các-bon, nguồn điện sử dụng hoạt động là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay bên cạnh nhà máy. Ðặc biệt, nhà máy được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn của Leed Gold - Chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu. Sau Lego, Tập đoàn Pandora (Ðan Mạch) đã đầu tư dự án 100 triệu USD, dự án dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo và được xây dựng theo tiêu chuẩn Leed Gold. Trong tháng 3/2023, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) cũng đến Bình Dương tìm hiểu và mong muốn đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập khu liên hợp công nghiệp trung hòa các-bon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu các-bon đầu tiên của Việt Nam tại huyện Phú Giáo.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị "Về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", với khát vọng, tầm nhìn, tư duy đổi mới và năng lực thực hiện, tỉnh Bình Dương xác định và quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển của vùng và cả nước với những quy hoạch, kế hoạch cụ thể đang được triển khai thực hiện. Theo đó, tỉnh tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh để tập trung vào hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đổi mới ngành công nghiệp... Giám đốc sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết: Hiện nay, chính sách kêu gọi đầu tư của Bình Dương đã có sự chuyển hướng sang thu hút đầu tư chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao, có mối liên kết với các doanh nghiệp nội địa và có đặt trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại địa phương; thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, trong thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương cũng lựa chọn, ưu tiên nhà đầu tư có tầm nhìn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.

Ðể thu hút đầu tư hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh và bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ: Tỉnh Bình Dương đã và đang tái định hình mô hình phát triển bằng các định hướng lớn như chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp, từ Công nghiệp-Ðô thị-Dịch vụ sang Công nghiệp-Ðô thị-Dịch vụ Thông minh, bao gồm việc nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu cũng như xây mới các khu công nghiệp xanh, thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như: IoT, Big Data… Tiến tới hình thành các khu công nghiệp-Ðô thị-Dịch vụ gắn liền với khoa học và công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ số, kinh tế số, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp nhằm xây dựng một hệ sinh thái mới, bổ sung cho hệ sinh thái hiện hữu, đáp ứng cao nhất nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong giai đoạn hội nhập toàn diện, ngày càng sâu rộng.