Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh

Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững rất cao, nhằm hướng đến cam kết “năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0”. Trong đó, quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị-công trình xanh, tài chính xanh…
Các doanh nghiệp dệt may cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để thích ứng với điều kiện phát triển mới. Ảnh: HẢI NAM
Các doanh nghiệp dệt may cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để thích ứng với điều kiện phát triển mới. Ảnh: HẢI NAM

“Xanh hóa” hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư

Là một ngành chịu tác động khá rõ nét trong thời gian qua, khi mất đơn hàng do luật chơi “xanh hóa”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, sự chuyển đổi tích cực của doanh nghiệp đang hình thành chuỗi cung ứng thời trang xanh, phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi cung ứng này vẫn còn khó khăn khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành mới dừng lại ở đầu tư máy móc hiện đại, sử dụng năng lượng mặt trời trong nhà máy…

Trong khi đó, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh còn chưa nhiều, đặc biệt cần xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất để bảo đảm môi trường. Ngược lại, trên thế giới, một số nước đối thủ đã nhanh chóng bắt nhịp và dành phần thắng khi bắt nhịp sớm mục tiêu tăng trưởng xanh.

Lãnh đạo VITAS nhấn mạnh: Nhiều thị trường lớn đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thị trường EU. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp để thích ứng với điều kiện phát triển mới.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty May 10 đánh giá, phần lớn doanh nghiệp may xuất khẩu là gia công, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 65% từ nguồn nhập khẩu. Đây là rào cản lớn nhất cho phát triển ngành công nghiệp dệt may hiện nay theo hướng xanh hóa.

Trong khi đó, tiêu chí xanh hóa khác là hướng đến sử dụng nguồn điện sạch của May 10 cũng đang gặp vướng mắc. Trong các doanh nghiệp dệt may của May 10 có nhiều nhà máy đã xây dựng từ thời gian trước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy đã được thiết kế và nghiệm thu trước đó. Hằng năm có lực lượng phòng cháy, chữa cháy địa phương đến kiểm tra và hệ thống đều bảo đảm. Nhưng bây giờ đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời lại phải tổng duyệt lại toàn bộ nhà máy… việc này phát sinh nhiều chi phí và thời gian của doanh nghiệp.

Nêu thực trạng hiện nay, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, với các ngành sản xuất, còn rất nhiều lĩnh vực đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình, nên các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng, chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Điều này gây nên sự chậm trễ cho doanh nghiệp trong bối cảnh bắt nhịp xu hướng sản xuất xanh toàn cầu, sẽ khiến cho hoạt động thương mại của chúng ta thua thiệt đối thủ và từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu xuất nhập khẩu trong tương lai gần khi các nước đánh thuế xanh hóa.

Đại diện VCCI nhấn mạnh: “Xanh hóa” với một số ngành sản xuất trước kia là xu hướng, nhưng hiện nay đã là yêu cầu bắt buộc. Trong đó sử dụng năng lượng xanh cũng là một trong các điều kiện quan trọng trong mục tiêu xanh hóa. Xu hướng sản xuất chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” đã và đang trở thành xu thế của toàn cầu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đi theo hướng phát triển bền vững thì rất khó để thâm nhập các thị trường lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp chú trọng đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cách nào hiện thực hóa?

Trước thực tế trên, về lĩnh vực năng lượng - một tiêu chí xanh hóa quan trọng, ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị, cần có giải pháp tổng thể từ phía cơ quan quản lý để doanh nghiệp áp vào thực hiện. Đó phải là một giải pháp rõ ràng, minh bạch, tránh trường hợp làm tù mù như hiện nay.

Về nguyên liệu, đại diện VITAS kiến nghị cần xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao trong ngành dệt may. Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng, nước xả thải nhằm giúp doanh nghiệp bù đắp chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

“VITAS sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực vải, nguyên phụ liệu để chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu, tận dụng được ưu đãi các Hiệp định thương mại. Đối với doanh nghiệp may, cần linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để bảo đảm đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường… theo hướng xanh hóa.

Chia sẻ về kế hoạch tổng thể trong lộ trình tăng trưởng xanh ở Việt Nam, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, bộ này sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới.

Góp ý cho Việt Nam hiện thực hóa cơ hội đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch, ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng Giám đốc Tập đoàn Boston Consulting khu vực Đông Nam Á cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; tăng tốc phát triển hệ sinh thái hydro sạch.

Đánh giá cao sự vào cuộc của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) dẫn chứng từ báo cáo khí hậu Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam từ nay đến năm 2040 cần 368 tỷ USD để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện giảm phát thải ròng, trong đó cần nhiều đóng góp của khu vực tư nhân. “Để huy động được nguồn lực quan trọng này, Chính phủ Việt Nam phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn. Đặc biệt, cần sớm có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này...”, ông Thomas Jacobs đề xuất.

Doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, song ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, hiện nay, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% số doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường. Có tới 91% số doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương... Do đó, VCCI đề xuất cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó, cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi DN đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề xuất, cần có chính sách giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh như trường hợp Bangladesh đang làm.

Đặc biệt, cần có đánh giá việc thực thi chính sách về kinh tế xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. VCCI đã xây dựng và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm 2023, nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của các địa phương.