Đây là một chủ trương lớn của Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò, nhằm thu hút đầu tư các cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá, phát triển xứng tầm với lợi thế, tiềm năng của đô thị du lịch biển nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho thị xã Cửa Lò và tỉnh Nghệ An.
Biển Cửa Lò được ví như “nàng tiên cá” làm mê hoặc du khách bởi biển xanh, cát trắng, bãi biển thoải dài... Là bãi biển đẹp nên Cửa Lò đã được người Pháp chọn là một trong những điểm phát triển du lịch và nghỉ dưỡng cách đây cả trăm năm. Hiện Cửa Lò là một trong những bãi tắm đẹp nhất ở Bắc Trung Bộ, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách tới tắm biển, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, vì yếu tố lịch sử với nhiều lý do khác nhau mà đã có hơn 200 ki-ốt chuyên kinh doanh ăn uống cùng các dịch vụ liên quan đã tồn tại dọc bãi biển ở khu vực lâm viên phía đông đường Bình Minh từ nhiều năm nay.
Phường Thu Thủy huy động các lực lượng tham gia hỗ trợ tháo dỡ các ki-ốt. |
Việc tồn tại các ki-ốt ăn uống cùng một số công trình xây dựng khác không chỉ tạo nên sự nhếch nhác mà còn che mất tầm nhìn ra biển, ảnh hưởng đến cảnh quan dọc bãi biển lẫn vệ sinh môi trường… Điều này đã khiến vẻ đẹp “nàng tiên cá” Cửa Lò bị mai một dần và sẽ rất khó để thu hút được du khách sang trọng cùng các nhà đầu tư du lịch có thương hiệu trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là một trong những lý do chính để Cửa Lò "thua chị kém em" trong thu hút du khách thời gian qua.
Chính vì thế, nhằm thu hút đầu tư các cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch trên địa bàn thị xã, từ sau ngày 30/9, Cửa Lò tiến hành giải tỏa toàn bộ các ki-ốt này. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị cần tập trung giải quyết đối với cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống đoàn thể, chính trị của thị xã Cửa Lò và các phường liên quan.
Theo báo cáo của UBND thị xã Cửa Lò: Hiện ở dọc bãi biển phía đông này có 209 ki-ốt, nhà hàng cùng 21 bãi đậu xe trên địa bàn 3 phường Nghi Hương, Nghi Thu và Thu Thủy. Trong đó, 69 ki-ốt do thị xã xây, 93 ki-ốt người dân xây theo chủ trương của thị xã, 47 ki-ốt tạm.
Bên cạnh đó, ở khu vực nhà nghỉ 382 có 17 ki-ốt tạm và một số công trình của một số cơ quan liên quan. Các ki-ốt, bãi giữ xe đều hết hạn kinh doanh từ tháng 9/2020 và được gia hạn từng năm một cho đến ngày 30/9/2022. Theo thỏa thuận, sau khi hết thời hạn kinh doanh thì người dân tự tháo dỡ ki-ốt và tài sản liên quan.
Cựu chiến binh phường Thu Thủy chuyển các vật dụng lên xe ô-tô. |
Để trả lại bãi biển đẹp cho Cửa Lò, tháng 8/2022, Thị ủy Cửa Lò đã thống nhất kế hoạch và lộ trình giải tỏa các ki-ốt này và tổ chức hoạt động kinh doanh phía tây đường Bình Minh.
Theo đó, thị xã tập trung tổ chức tuyên truyền, thông báo kế hoạch giải tỏa lâm viên phía đông đường Bình Minh để các hộ kinh doanh biết, tiến hành thanh lý hợp đồng và thực hiện việc tháo dỡ bắt đầu từ ngày 30/9 đến 30/10 để bàn giao mặt bằng cho thị xã. Từ ngày 30/10 đến 30/12, thị xã Cửa Lò sẽ dọn dẹp, san ủi mặt bằng...
Đồng thời với công tác tổ chức tuyên truyền, các đồng chí Thường trực Thị ủy đã xuống các phường để trực tiếp đối thoại với các hộ kinh doanh. Điều đáng mừng, sau nhiều lần đối thoại trực tiếp với cấp ủy, chính quyền các cấp, một số hộ kinh doanh đã tự nguyện tháo dỡ ki-ốt dù chưa đến hạn để trả lại mặt bằng cho thị xã Cửa Lò.
Việc tồn tại các ki-ốt ăn uống cùng một số công trình xây dựng khác đã khiến vẻ đẹp “nàng tiên cá” Cửa Lò bị mai một dần và sẽ rất khó để thu hút được du khách sang trọng cùng các nhà đầu tư du lịch có thương hiệu trong nước và quốc tế.
Tuy chưa đến hạn tháo dỡ, nhưng trong các ngày 18 và ngày 21/9, các ki-ốt số 42, 43, 78, 196 đã tự nguyện tháo dỡ đồ đạc, di chuyển ra khỏi ki-ốt. Do tự nguyện tháo dỡ trước nên các gia đình này đã được phường Thu Thủy huy động các lực lượng giúp đỡ tháo dỡ, giải tỏa.
Anh Hồ Trọng Thành cho biết: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương giải tỏa để cải tạo, nâng cấp bãi biển Cửa Lò nên gia đình tự nguyện tháo dỡ trước thời hạn...
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thu Thủy, Nguyễn Xuân Hùng, cho biết: Ngày 27/9, Hội Cựu chiến binh phường phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò-Bến Thủy cùng Hội phụ nữ Phường và ban bảo vệ dân phố hỗ trợ tháo dỡ ki-ốt số 60 và 61 nhằm tạo đà cho việc giải tỏa ki-ốt được bắt đầu từ ngày 30/9.
Sáng 1/10, mặc dù trời mưa khá to do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 nhưng một số dân vẫn tiến hành tháo dỡ ki-ốt. Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND phường Thu Thủy, Nguyễn Thanh Tuyền, cho biết: Mặc dù trời mưa to nhưng phường vẫn huy động hơn 200 người, thuộc các lực lượng hội, đoàn thể chính trị của phường cùng lực lượng quản lý trật tự đô thị thị xã Cửa Lò và xe ô-tô để giúp các ki-ốt số 39, 40, 50 tháo dỡ, di dời đồ đạc.
Các lực lượng này còn bốc xếp các vật dụng lên xe chuyên dụng để đưa đến vị trí mới theo đề nghị của chủ các ki-ốt. Trong các lực lượng tham gia tháo dỡ, giải tỏa ki-ốt, có khá nhiều bác lớn tuổi, mang sắc phục cựu chiến binh. Ngoài ra, các lực lượng này còn tham gia vệ sinh môi trường biển, vớt bèo, cây cối trôi dạt vào bờ do bão số 4 gây ra.
Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ ki-ốt số 50 cho biết: Đã kinh doanh ở đây 13 năm, nên việc di dời đến nơi khác cũng khá luyến tiếc, ít nhiều cũng gây xáo trộn việc kinh doanh. Dù có chút tiếc nuối nhưng cũng phải chấp hành. Bởi giải toả để cải tạo lại, suy cho cùng là để Cửa Lò hấp dẫn, thu hút được nhiều khách tham quan hơn. Chị Hồng tính toán, sẽ dồn tiền và vay mượn xây dựng một cửa hàng kinh doanh lớn ở trên tuyến đường 10, cạnh khách sạn Xanh để thu hút khách.
Tại ki-ốt số 47, hai vợ chồng chị Phương Liên cũng đang tháo dỡ đồ đạc, cho biết: Hai vợ chồng đều đồng thuận với chủ trương giải tỏa các ki-ốt này. Chúng tôi cũng đang gấp rút tìm địa điểm mới ở gần khu vực Quảng trường để đầu tư một cửa hàng kinh doanh hải sản tươi sống phục vụ du khách cho ra tấm, ra món…
Tính đến ngày 2/10, phường Thu Thủy đã tổ chức giải toả, di dời được 14 ki-ốt và một bến xe, trên tổng số 105 ki-ốt và 7 bến xe. Với cách làm bài bản, chính quyền phường Thu Thủy thành lập ban chỉ đạo, phân công từng lãnh đạo phụ trách từng khu vực, xây dựng kế hoạch giải tỏa, trực tiếp đến từng hộ kinh doanh giải thích; rồi vận động gia đình cán bộ, đảng viên thực hiện trước… đã tạo được sự đồng thuận cao. Thậm chí một số hộ có nhiều thắc mắc, sau khi được giải đáp thấu tình đạt lý đã tiên phong tháo dỡ.
Không chỉ có vậy, theo Phó Chủ tịch UBND phường Thu Thủy Lê Thị Kim Anh, việc giải tỏa và di dời các hộ kinh doanh ở phía Đông đường Bình Minh là cơ hội để “lọc” những hộ kinh doanh không hiệu quả, giúp họ nhanh chóng chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh tốt, uy tín, sẽ có điều kiện đầu tư cơ sở kinh doanh quy mô lớn, sang trọng hơn.
Huy động xe của phường để giúp người dân vận chuyển đồ đạc đến địa điểm mới. |
Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Võ Văn Hùng cho biết: Thi đua với phường Thu Thủy, các phường Nghi Hương, Nghi Thủy cũng đã huy động các lực lượng giúp dân tháo dỡ ki-ốt, vận chuyển, tập kết các vật tư về nơi gia đình yêu cầu cùng với đó, người dân cũng đồng thuận việc giải tỏa này. Tính đến ngày 3/10, đã có 70/209 ki-ốt đang tiến hành tháo dỡ, trong đó 25 ki-ốt đã hoàn thành việc tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho thị xã. “Dự kiến, đến ngày 30/10, thị xã sẽ giải tỏa toàn bộ số ki-ốt và bãi đậu xe ở phía đông đường Bình Minh theo đúng kế hoạch đề ra”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân, lãnh đạo thị xã cùng các phòng ban và các địa phương liên quan đã tạo điều kiện liên hệ các địa điểm ở phía tây đường Bình Minh để tạo thuận lợi cho việc các chủ ki-ốt thuê địa điểm kinh doanh lâu dài để giải tỏa áp lực tìm kiếm mặt bằng cho các chủ hộ kinh doanh.
Việc giải tỏa thành công các ki-ốt phía đông đường Bình Minh sẽ thay đổi diện mạo, đưa Cửa Lò trở thành một trong những bãi biển đẹp của khu vực Bắc Trung Bộ. Cửa Lò sẽ có nhiều cơ hội để thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá, phát triển xứng tầm với lợi thế, tiềm năng của đô thị du lịch biển nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho thị xã Cửa Lò và tỉnh Nghệ An.