Đây là nhận định được lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra tại Hội nghị tổ chức sáng 28/4 nhằm sơ kết Chỉ thị số 17 ngày 12/1/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 17-CT/TU) về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, đồng thời phát động nội dung thi đua Giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Vành đai 3.
Trình phê duyệt giá bồi thường 415 dự án
Để thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 8/6/2018, qua đó đề ra 32 giải pháp, nhiệm vụ với mục đích hoàn thành 4 mục tiêu cơ bản.
Kết quả, trong năm 2022, tổng số dự án được ghi vốn bồi thường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 190 dự án, tổng số vốn được giao là 12.580,797 tỷ đồng, tổng số vốn giải ngân đến ngày 15/12/2022 là 6.855,402 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 54,49%, tỷ lệ người dân đồng ý nhận tiền là 29,86%, tỷ lệ gửi Kho bạc Nhà nước là 24,63%.
Thực hiện pháp luật về đầu tư công, từ năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 276 Quyết định phê duyệt điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện các Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành 17 Quyết định phê duyệt điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện dự án theo thẩm quyền (tổng số là 293 Quyết định cho 293 dự án trên toàn địa bàn Thành phố).
Liên quan việc xác định giá đất để tính bồi thường của các dự án trên địa bàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Luật Đất đai năm 2013, số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường về trình phê duyệt giá bồi thường tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 415 dự án, trên cơ sở đó các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên phạm vi địa bàn.
Đánh giá những hạn chế khi thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng: Kết quả đạt được đáng ghi nhận nhưng tỷ lệ dự án bồi thường chưa giải ngân vẫn còn gần 50%. Thủ tục dự án phần nhiều có liên quan đến chủ đầu tư, công tác ghi vốn, bàn giao mặt bằng đều bị chậm. Đơn cử như thời điểm này, có dự án chỉ đạt 30% kế hoạch vốn. Vốn trung hạn chưa sử dụng hết. Nhu cầu lớn thực hiện rất lớn nhưng số tiền giải ngân thấp, đây là thực tế của câu chuyện: “Có tiền, cầm tiền nhưng không sử dụng hết” cần được các địa phương nỗ lực tháo gỡ!
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị, Quận ủy, Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Bí thư Thành ủy Thủ Đức quan tâm rà soát từng dự án. Cuối tháng 6/2023, mỗi dự án phải hoàn thành ít nhất 70% mặt bằng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
Người dân bàn giao mặt bằng để thành phố Thủ Đức và chủ đầu tư tiếp tục thi công Công trình cầu Nam Lý sau nhiều năm ách tắc. |
Thiếu nhất quán trong áp giá bồi thường
Là một huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa, để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh thông tin: Tổng số dự án được Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 116 dự án, trong đó có 49 dự án phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và 67 dự án chưa được phê duyệt chính sách bồi thường.
Dẫn ra một số vướng mắc phát sinh, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh cho biết: Một số trường hợp người dân cùng bị ảnh hưởng 2 dự án khác nhau, thời điểm phê duyệt phương án khác nhau, đơn giá bồi thường khác nhau dẫn đến việc so bì về đơn giá, không thống nhất việc bàn giao mặt bằng. Đơn cử như Dự án xây dựng Nghĩa trang nhân dân thành phố; Dự án Khu xử lý bùn, khu dự trữ phát triển tại xã Đa Phước (Rác khu II) được triển khai đo vẽ, điều tra hiện trạng vào năm 2010 nhưng chính sách áp dụng năm 2005.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc áp dụng các chính sách cho các tổ chức, cá nhân được bồi thường có lúc, có nơi chưa phù hợp quy định; thiếu nhất quán trong áp giá bồi thường, chính sách tái định cư và các khoản hỗ trợ khác dẫn đến tình trạng khiếu nại, so bì giữa các hộ dân. Một số trường hợp bị giải tỏa toàn phần, được bố trí tái định cư tại một nơi khác, dẫn đến cuộc sống bị xáo trộn, thay đổi do mất lợi thế kinh doanh so với nơi ở cũ. Tình trạng người dân không hợp tác, không đồng tình với pháp lý, chính sách và đơn giá bồi thường của dự án vẫn còn xảy ra, dẫn đến việc phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân có đất bị thu hồi.
Ngoài ra, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho người dân nhưng không áp dụng cho các dự án đã phê duyệt phương án theo chính sách Luật Đất đai năm 1993, 2003 nên gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng.
Một số địa phương cùng lúc triển khai nhiều dự án, một số dự án có quy mô lớn nhưng công tác chuẩn bị (kiểm đếm, đo đạc, thiết lập hồ sơ pháp lý, ...) không tốt nên tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu kế hoạch đề ra, thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng đời sống người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh chi trả hơn 8.800 tỷ đồng bồi thường dự án Vành đai 3
Phát biểu chỉ đạo phần Phát động thi đua Giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Vành đai 3 ngày 28/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đến cuối tháng 6 phải bàn giao khoảng 80% mặt bằng cho dự án Vành đai 3. “Thành phố hướng đến thực hiện dự án Vành đai 3 như một kiểu mẫu, làm sao điều kiện sống của bà con nơi tái định cư thực sự tốt” – ông Mãi nói.
Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án chiếm hơn 90%, nếu làm theo cách thông thường (bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng lúc) thì sẽ chậm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp có đất ở mà người dân đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn. Dự kiến chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giai đoạn 1 khoảng 8.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ áp dụng cho các trường hợp bị thu hồi đất còn lại.