Vẫn không thoát ngập
TP Hồ Chí Minh có 2.008 km sông, kênh rạch với khoảng 1.050 km đê bao, bờ bao trong đó còn 200 km bờ bao chưa kiên cố thường gặp sự cố khi có triều cường. Khu vực Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức, các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông, quận 12, phường 28 quận Bình Thạnh…luôn là “điểm nóng” hàng năm khi mùa nước lớn về. Theo Ban phòng chống lụt bão thành phố, trong 10 năm liền (1997 – 2007) năm nào cũng xảy ra sự cố tràn, vỡ bờ bao. Gần đây nhất năm 2008 cũng đã vỡ 334 m bờ bao.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão thành phố giải thích, tình trạng bờ bao vỡ triền miên trong nhiều năm vì trước năm 2007 kinh phí chống ngập quá eo hẹp mỗi năm chỉ được đầu tư hơn một tỷ đồng phải rải cho nhiều điểm nên chất lượng không đảm bảo. Với lý do đó, trong khi trông chờ các dự án chống ngập lớn, tổng thể dài hạn được triển khai, thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án chống ngập hàng năm gia cố bờ bao nội đồng, kết hợp với giao thông nông thôn cho khu vực ngoại thành.
Năm 2008, thành phố duyệt kinh phí 256 tỷ đồng xây dựng 156 công trình gia cố 169.389m đê bao. Tiếp tục năm 2009 – 2010 thành phố đầu tư 282 tỷ đồng xây dựng 128 công trình xây dựng cơ bản, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, bờ bao phòng chống triều cường với tổng chiều dài 106.540m.
Để giải quyết những vấn đề trước mắt thành phố chấp thuận cho quận 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi… đầu tư hơn 4,8 tỷ đồng gia cố 37 điểm xung yếu với mục đích không để xảy ra tràn, vỡ bờ bao trong màu mưa bão năm nay. Tổng cộng năm 2008 thành phố đầu tư tới hơn 286 tỷ đồng cho các dự án chống ngập.
Thành phố yêu cầu các dự án đê bao chống ngập khu vực ngoại thành phải đảm bảo cao trình phòng lũ từ +2m trở lên. Đầu tư lớn là vậy nhưng hệ thống bờ bao cũng chỉ cầm cự được hơn một tháng của mùa lớn, đến đợt triều cường đầu tháng 11 hàng nghìn hộ dân các phường phường An Phú Đông, Thạnh Xuân (quận 12), Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức)… lại phải sống trong ngập trong nước do tràn, vỡ bờ bao.
Chỉ riêng trong đêm 4 và ngày 5 – 11 có 12 đoạn bờ bao bị vỡ, trong đó có những đoạn vỡ dài hơn 100m, các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Hiêp Bình Phước vỡ tới 3, 4 đoạn. Nhiều đoạn bờ bao đã bị tràn, nước ngập vào các khu dân cư. Diện tích trồng mai, hoa màu các của người dân có nguy cơ mất trắng. Nhìn vườn mai hơn 3000 gốc đang chìm trong nước đến anh Nguyễn Viết Nguyện khu phố 1, phường An Phú Đông quận 12 âu sầu: “Tưởng đâu lọt được mùa nước nay năm, vậy mà vẫn ngập lớn. Ngập thế này, cây nhỏ là mất hẳn, cây lớn vài bữa nũa cũng rụng lá. Cả nhà tôi trông vào vườn mai, không biết Tết có mai để bán nữa không?”.
Lội vào trong những vùng ngập nước mới thấy hết nối khổ của người dân. Không chỉ con đường ngập sâu trong nước làm nhiều xe gắn máy không thể chạy được, ngay trong nhà cũng bị ngập tới gần thắt lưng. Chỗ nấu ăn không có, đến bữa cả xóm đi mua cơm hộp về ăn. Anh Phạm Xuân Thanh người dân khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức cho biết: “Gia đình tôi chuyển từ Bình Thạnh về đây sống được hơn một năm. Khi mua đất không biết khu này ngập kinh khủng đến thế này. Nếu cứ tính trạng này có lẽ tôi phải bán nhà chuyển đi chỗ khác”.
Các dự án chống ngập chậm được triển khai
Một đoạn bờ bao sau khi đã được gia cố.
Theo Ban phòng chống lụt bão thành phố trong hơn 10 năm qua, hệ thống bờ bao của thành phố đã vỡ nhiều lần gây ngập hơn 10.000 ngôi nhà, hơn 4000 ha đất nông nghiệp. Hơn ai hết người dân sống khu vực bị ảnh hưởng của triều cường mới hiểu nỗi khổ của những lần ngập lụt. Vì vậy khi các dự án chống ngập được phê duyệt người dân rất vui mừng hy vọng thoát cảnh sống chung với ngập.
Hiện nay, thành phố có ba dự án lớn chống ngập cho khu vực ngoại thành: Dự án Thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn, Dự án bờ tả sông Sài Gòn và dự án kênh Tham Lương - Bến Súc. Có thể nói một trong những dự án được trông đợi nhiều nhất là Dự án công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn. Dự án này sẽ chống ngập cho quận 12, Gò Vập, huyện Củ Chi và Hóc Môn. Thế nhưng nhiều gói thầu của dự án có vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng này thực hiện chậm trễ. Riêng với dự án tại khu vực quận 12, huyện Hóc Môn (nam Rạch Tra) hứa hẹn ngăn lũ và triều cường cho 3.560 ha đất tự nhiên cho các huyện quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn. Được Bộ NN và Phát triển Nông thôn (NN và PTNN) phê duyệt dự án khả thi từ năm 2001. Theo dự kiến phải hoàn thành vào ngày 30 – 6 – 2009 nhưng sau đó được Bộ NN và PTNN) gia hạn đến tháng 12 - 2009.
Tuy nhiên theo báo cáo chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Sở NN và PTNT thành phố, đến tháng 9 – 2009, trong tổng số 66.793m đê bao mới thực hiện được 39.216m (chiếm 59%) và 58% cống các loại (128/219). Riêng các gói thầu do thành phố đầu tư mới đang thực hiện 40% số gói thầu trong đó có 13.590m đê bao trong số 30400m (chiếm 45%). Khâu giải phóng mặt bằng tai quận 12 và Hóc Môn vẫn chưa được hoàn tất. Chủ đầu tư công trình này lại “khất” ngày hoàn tất công trình vào quý II năm 2010.
Mấy ngày trước đợt triều cường vừa qua, Ông Trần Văn Chân, 77 tuổi người dân khu phố 3, phường Thạnh Xuân (quận 12) chỉ chúng tôi biết đoạn đê bao vừa được gia cố xong nhưng vẫn còn nhiều chỗ nước vẫn dò vào. Trong đợt triều cường vừa qua, khu vực này bị ngập nặng do nước dò từ bên ngoài chảy vào và một số đoạn bị tràn bờ bao. Ngay 37 điểm được xác định xung yếu cần tập trung gia cố nhưng đến cuối tháng 10, sát đợt triều cường, cũng chỉ thực hiện được 30 điểm.
Đỉnh triều cường vừa qua đạt mức 1.56m, cao nhất trong 50 năm qua cũng đã gây những khó khăn trong công tác phòng chống ngập lụt cho địa phương. Tuy nhiên, mức triều cường lịch sử này chỉ cao hơn mức triều cường cao nhất trong năm 2008 và một số năm trước khoảng 3-4 cm và cao hơn mức triều cường bình thường khác trong năm khoảng 10 cm. Trong khi đó, yêu cầu về cao trình phòng lũ của bờ bao quy hoạch thực hiện ở mức + 2m. Như vậy, việc vỡ, tràn bờ bao trong đợt triều cường mấy ngày qua có thể không xảy ra nếu Ban phòng chống lụt bão thành phố và các quận, huyện có trách nhiệm hơn và thực hiện tốt việc đắp, gia cố bờ bao.
HUỆ NỮ - NGUYÊN NAM