TP Hồ Chí Minh được dùng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm

NDO - Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, TP Hồ Chí Minh được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách, chi thu nhập tăng thêm.
0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết của Quốc hội được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực, nguồn lực mới để TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết của Quốc hội được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực, nguồn lực mới để TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/6 tại Kỳ họp thứ 5 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

Chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc

Theo Nghị quyết, Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định 3 chính sách lớn.

Cụ thể, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ngân sách nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này.

Đồng thời, cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chi thu nhập tăng thêm.

Việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn… phải bảo đảm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên

Nghị quyết cũng quy định rõ việc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.

Theo đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công;

Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo;

Hội đồng nhân dân Thành phố quy định các lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm giải pháp công nghệ mới; và mức hỗ trợ.

Thành lập Sở An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố

Về tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố, Quốc hội cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm.

Quy định này được thực hiện trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định, Ủy ban nhân dân huyện thuộc Thành phố có không quá 3 Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50 nghìn người trở lên thì Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có không quá 3 Phó Chủ tịch.

Việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức và thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được giao hằng năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Việc ủy quyền phải bằng văn bản và quy định rõ trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.