Các đơn vị này cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và bố trí nhiều địa điểm tiếp nhận bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người dân đến làm CCCD và cán bộ làm nhiệm vụ. Hiện, việc tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD do từng quận, huyện chủ động thực hiện tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
Ngay khi TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện nới lỏng giãn cách được một tuần, nhiều quận đã gửi thông báo tới người dân qua trang Zalo về việc các phường trên địa bàn thu nhận hồ sơ căn cước công dân cũng như đăng tải các thông tin về địa điểm, thời gian làm việc tiếp nhận làm CCCD cho người dân trên địa bàn...
Đặc biệt, các quận còn triển khai nhiều điểm lưu động và cập nhật liên tục, đầy đủ trên Zalo. Nhờ đó, người dân kịp thời nắm bắt thông tin, tránh việc đi lại nhiều lần, giảm thiểu phiền hà và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi người dân đến làm CCCD.
Trong đợt này, TP Hồ Chí Minh sẽ cấp căn cước công dân cho toàn bộ người dân thường trú, tạm trú đủ điều kiện được cấp mới, cấp đổi, cấp mất và không còn giới hạn đối tượng, kể cả những người đang dùng căn cước công dân mã vạch muốn được đổi sang căn cước công dân gắn chip.
Khi tới địa điểm làm căn cước, người dân cần ăn mặc lịch sự, mang theo đầy đủ giấy tờ như hộ khẩu (bản chính), chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch và các giấy tờ có liên quan khác khi thông tin công dân có thay đổi.
Tuy nhiên, do tình dịch trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp nên trong thời gian làm việc tại địa điểm làm căn cước, người dân được yêu cầu tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, xuất trình mã QR khai báo di chuyển nội địa và có chứng nhận tiêm chủng hoặc giấy chứng nhận là F0 đã điều trị xong trong 180 ngày.
Tập trung thực hiện những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD đúng với kế hoạch, công an quận Tân Phú và công an huyện Hóc Môn đã và đang tăng cường truyền thông, trong đó, nền tảng Zalo đã được các đơn vị này khai thác hiệu quả để thông tin rộng rãi, chi tiết đến từng người dân.
Ngoài các thông tin cơ bản như đối tượng được ưu tiên thực hiện cấp căn cước công dân, thời gian làm việc, địa điểm cấp căn cước công dân… được đăng tải tại Zalo "Công an quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh" và “Công an huyện Hóc Môn”. Trang Zalo của 2 đơn vị này còn triển khai chuyên mục “Hỏi đáp CCCD” cho phép giải đáp các thắc mắc của người dân thông qua hệ thống trả lời tự động (chatbot).
Bộ câu hỏi của chatbot cũng được xây dựng dựa trên những vướng mắc, vấn đề mà người dân thường quan tâm. Người dân khi có thắc mắc về những thủ tục CCCD khác như: Thời hạn sử dụng của thẻ CCCD gắn chip là bao lâu; Thủ tục làm CCCD khi mất CMND, CCCD cũ như thế nào; Đối tượng được ưu tiên thực hiện cấp CCCD gắn chip cần chuẩn bị những hồ sơ gì; Lệ phí phải đóng là bao nhiêu… đều được tài khoản Zalo tự động giải đáp.
Hiện thẻ căn cước công dân gắn chip được tích hợp nhiều thông tin như: Thông tin thẻ xanh, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về hưởng chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Căn cước gắn chip cũng được tích hợp thông tin về người phụ thuộc đi cùng với người có thẻ căn cước như con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự...
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị không tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính, mà tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã nới lỏng giãn cách xã hội, vì vậy Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai dự án trên, phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu được Bộ Công an giao.
Công an TP cũng yêu cầu các đơn vị bố trí tối đa lực lượng cho công an cấp xã để đủ nguồn nhân lực. Nhanh chóng bổ sung phương tiện, trang thiết bị, máy móc đầy đủ, kịp thời xử lý sự cố để đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả.
Trên toàn quốc, Bộ Công an đã trả khoảng hơn 50 triệu thẻ gắn chip cho người dân so với trên 55 triệu hồ sơ thu nhận.