Tại công trường Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh đang xây dựng tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, với quy mô một nghìn giường bệnh và có tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng, khởi công từ tháng 12-2014, đồng chí Đinh La Thăng đã chất vấn nhà thầu về tiến độ xây dựng. Vì theo hợp đồng, đến ngày 6-6-2016 là hoàn tất nhưng tại công trường, đơn vị thi công vẫn đang xây thô và chắc chắn sẽ không đạt tiến độ quy định.
Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu, các bên tư vấn, thi công cần tăng tốc công việc với tấm lòng và suy nghĩ hướng về hàng trăm bệnh nhi đang chịu cảnh nhiều cháu nằm một giường trong bệnh viện cũ. Đồng chí cũng đồng ý với nhà thầu sẽ tạm ứng 70%-80% kinh phí trên khối lượng công trình và ra chỉ thị, đến ngày 30-6 mà nhà thầu không bàn giao công trình thì phạt nặng.
Tại Trung tâm Y tế Kỹ thuật cao Hoalam – Shangri, đồng chí Đinh La Thăng và đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ việc Trung tâm hoạt động khó khăn, lỗ hơn một triệu USD/tháng và đề nghị, Trung tâm nên làm vệ tinh cho một bệnh viện có uy tín của Nhà nước để vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối vừa thu hút nguồn lực y bác sĩ giỏi về trung tâm hoạt động.
Đồng thời, Trung tâm phải tính toán giá dịch vụ khám chữa bệnh hợp lý với đại đa số người bệnh để khỏi lãng phí công trình. Với các đề xuất của Trung tâm về các dự án nhà ở, trường học, đồng chí Đinh La Thăng cho rằng, cần phải xem xét xem các dự án này có phù hợp quy hoạch hay không và nếu có thì các dự án nêu trên cũng bình đẳng về nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau hai năm thực hiện Đề án luân phiên cán bộ y tế, 12 bệnh viện TP đã hỗ trợ cán bộ y tế cho 10 bệnh viện quận huyện, đã có hơn 200 lượt cán bộ y tế được phân công luân phiên chuyên môn ở các lĩnh vực Nhi, Sản phụ khoa, Nội tổng quát, Ngoại tổng quát, Chấn thương Chỉnh hình, Nhiễm, Nhãn khoa, Hồi sức cấp cứu... Tổng số lượt bệnh nhân được cán bộ luân phiên trực tiếp khám và điều trị ngoại trú là 67.068 lượt, nội trú là 1.095 lượt, 251 ca phẫu thuật
Bên cạnh đó, 15 trạm y tế xã, phường - thị trấn được các trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện quận, huyện cử bác sĩ đến luân phiên, đặc biệt Bệnh viện quận Thủ Đức đã tăng cường cử bác sĩ xuống 12/12 trạm y tế phường để mỗi trạm đều có hai bác sĩ trực nhằm bảo đảm hoạt động khám BHYT cho người dân. Thành phố cũng đã triển khai 160 phòng khám bác sĩ gia đình và là một trong các tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn làm thí điểm và tiếp tục triển khai nhân rộng Đề án mô hình Bác sĩ gia đình theo mô hình của các nước có nền y tế phát triển.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để giảm quá tải, tăng thêm giường bệnh, xây dựng thêm bệnh viện mới và cải tạo nâng cấp các bệnh viện công, TP Hồ Chí Minh rất quan tâm đầu tư để phát triển ngành y tế. Một số công trình đã hoàn thành trong năm 2015 như: Xây dựng mới Khoa Phong của Bệnh viện Da Liễu; Khu Hành chính - Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; Nâng cấp Khu kỹ thuật Viện Tim; Xây dựng mới Khu khám và điều trị Nội tim mạch Bệnh viện Nhân Dân 115; Xây dựng mới công trình khám, điều trị bệnh nhân của Bệnh viện quận Bình Thạnh; Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Quận 11; Xây dựng mở rộng Bệnh viện huyện Củ Chi (300 giường)…
Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, Sở vẫn có nhiều các công trình đang triển khai thi công như Khu khám, chẩn đoán điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu; Mở rộng Bệnh viện Tai Mũi Họng; Xây dựng bổ sung, sửa chữa một số hạng mục Bệnh viện Nhân Ái; Xây dựng mới Bệnh viện quận Gò Vấp (300 giường bệnh); Xây dựng mới Bệnh viện huyện Bình Chánh (500 giường bệnh, giai đoạn 1 là 300 giường); Xây dựng mới Trung tâm Y tế dự phòng Quận 1... Vì vậy, số giường bệnh của TP năm 2015 đã tăng 1.140 giường bệnh so với năm 2014 (34.407 giường bệnh/33.293 giường bệnh).