Cụ thể, các đơn vị tổ chức biểu diễn 10 suất tác phẩm múa "Huyền thoại rừng Sác" và “Kịch múa Tổ quốc" trong các chương trình phục vụ dịp các ngày lễ lớn của đất nước tại khu vực Trung tâm thành phố và khu vực ngoại thành phục vụ học sinh - sinh viên các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban tổ chức cũng có kế hoạch tổ chức biểu diễn 20 suất quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao, có nội dung thiết thực về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gồm 4 tác phẩm: "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" (tác giả Khánh Hoàng, đạo diễn Hoàng Tấn) của đơn vị Nhà hát Kịch Thành phố; "Cánh đồng rực lửa" của đơn vị Sân khấu Kịch Quốc Thảo (tác giả Ngọc Trúc, đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc); "Rặng trâm bầu", đơn vị sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi (tác giả Vũ Trinh, Uyên Nhi, đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi) và vở "Đại náo long cung" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Bảo Chu).
Ông Lâm Hữu Đức, Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua thành phố có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đến các quận, huyện trên địa bàn.
Theo ông Lâm Hữu Đức, để người dân có điều kiện thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, các đơn vị sân khấu cần chủ động, trao đổi tiếp cận các đơn vị để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của đơn vị mình, góp phần làm cho công tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ dừng lại ở một cơ quan, đơn vị mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận, huyện.
“Nếu ta làm được điều này, nhiều tác phẩm hay sẽ đến với công chúng nhiều hơn, người dân thưởng thức những món ăn tinh thần ngon hơn, qua đó góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho thành phố bình an, phát triển hơn”, Ông Lâm Hữu Đức nhấn mạnh.