Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 4.000 văn nghệ sĩ, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau và hàng nghìn nghệ nhân thủ công mỹ nghệ. Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hà Nội đã xây dựng nhiều chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại Khu du lịch Tuần Châu, huyện Quốc Oai, là một trong những sáng tạo tiêu biểu của văn học - nghệ thuật Thủ đô.
Vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại Khu du lịch Tuần Châu, huyện Quốc Oai, là một trong những sáng tạo tiêu biểu của văn học - nghệ thuật Thủ đô.

Hà Nội luôn là nơi hội tụ nhân sĩ, trí thức và đội ngũ văn nghệ sĩ. Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết, hiện Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố có hơn 4.000 hội viên. Hà Nội còn có hàng nghìn văn nghệ sĩ trung ương, nghệ sĩ tự do và hàng nghìn nghệ nhân trong các lĩnh vực nghệ thuật dân gian sinh sống, làm việc. Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X), đời sống văn học, nghệ thuật của Thủ đô có những bước chuyển mình quan trọng. Thành ủy đã xây dựng Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025 (các nhiệm kỳ trước là Chương trình 04), Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Nhiều lĩnh vực nghệ thuật được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để các nghệ sĩ, nghệ nhân tạo ra sản phẩm, tác phẩm.

Thực hiện các mục tiêu phát triển văn học, nghệ thuật, thành phố đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: Bảo tàng Hà Nội, nâng cấp Thư viện Hà Nội, Phố sách Hà Nội, nâng cấp các nhà hát nghệ thuật... Hiện nay, Hà Nội là địa phương có nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước (khoảng hơn 200 không gian); đồng thời là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang tầm khu vực và quốc tế. Khuynh hướng chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật Thủ đô vẫn xuyên suốt theo dòng mạch nguồn là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, với sự đan xen, hòa quyện giữa kế thừa truyền thống và sự thích ứng với yếu tố đương đại. Ðội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tạo các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Chất lượng tác phẩm nghệ thuật được nâng lên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Việc phát triển văn học, nghệ thuật cũng được các địa phương chú trọng và triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây tổ chức các không gian đi bộ, tạo điều kiện cho người dân tham gia, thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Huyện Ðông Anh được biết đến với nhiều môn nghệ thuật truyền thống như: Ca trù Lỗ Khê, tuồng cổ Xuân Nộn, chèo Dục Tú, rối nước Ðào Thục... Ðể thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật truyền thống, huyện đã ưu tiên đầu tư hạ tầng văn hóa. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, hiện nay, huyện tập trung quy hoạch và triển khai 186 dự án đầu tư xây dựng mới; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng; đồng thời, làm tốt công tác quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả nhà văn hóa-khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng. Ðông Anh cũng bố trí kinh phí đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là các môn nghệ thuật, thể thao truyền thống.

Tại huyện Ba Vì, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện xây dựng Ðề án số 05/ÐA-UBND ngày 30/11/2012 về Bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo. Ðến nay, tất cả xã miền núi đã thành lập đội bảo tồn cồng chiêng, tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại các thôn. Hiện huyện có 56 đội bảo tồn cồng chiêng Mường và chuông, chiêng của đồng bào Dao.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song một số mặt của văn học, nghệ thuật Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn: Tình trạng hạ tầng cơ sở, kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; văn hóa đọc chưa đi vào thực chất; đầu tư cho văn hóa nghệ thuật còn thấp, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô; việc bảo tồn các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức...

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu cả hệ thống chính trị cần tiếp tục triển khai các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng, trong đó tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống...; đồng thời, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian trong thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian... Bên cạnh đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nhất là các ngành công nghiệp văn hóa, thiết kế sáng tạo; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.