Top 30 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật

NDO - Top 30 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) xuất sắc sẽ nhận được khóa huấn luyện chuyên sâu 1:1 trong 6 tháng và 100 triệu đồng vốn hạt giống.
0:00 / 0:00
0:00
Các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tham gia triển lãm giới thiệu cho các đại biểu khách mời.
Các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tham gia triển lãm giới thiệu cho các đại biểu khách mời.

Ngày 3/8, tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức chương trình Triển lãm và Họp báo công bố 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tham gia "Chương trình đồng hành khôi phục sau Covid-19 năm 2023".

Trong tháng 6, Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với Covid-19" (ISEE-COVID) đã khởi động “Chương trình đồng hành khôi phục sau Covid-19 năm 2023” nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các SIB với các mô hình kinh doanh khả thi và có tiềm năng tác động đáng kể về nông nghiệp, du lịch, giáo dục và y tế/chăm sóc sức khỏe.

Sự kiện đã thu hút sự quan tâm từ 239 SIB. Trải qua vòng sơ loại và thuyết trình được tiến hành kỹ lưỡng, 30 SIB xuất sắc từ nhiều vùng miền của Việt Nam đã được chọn tham gia Chương trình, với hơn 2/3 trong số đó là các doanh nghiệp lấy phụ nữ làm trọng tâm.

Theo đó, top 30 tổ chức kinh doanh doanh tạo tác động xã hội (SIB) xuất sắc sẽ nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, với khóa huấn luyện chuyên sâu 1:1 trong 6 tháng và 100 triệu đồng vốn hạt giống.

Top 30 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật ảnh 1

Top 30 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tham gia Chương trình đồng hành khôi phục sau Covid-19 năm 2023.

Hỗ trợ này nhằm trao quyền cho các SIB chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới sản phẩm, tạo điều kiện để các SIB phục hồi sau Covid-19 và tham gia tích cực vào hệ sinh thái SIB đang phát triển mạnh mẽ.

Dự án ISEE Covid có mục tiêu tổng thể, nhằm: nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,...; nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, góp phần đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ: “Gói hỗ trợ trên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và thu hút sự tham gia của một số lượng lớn các doanh nghiệp SIB tham gia.

Trong năm 2021, đã có 31 doanh nghiệp SIB nhận gói hỗ trợ này và đều đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các SIB này đã xây dựng các kế hoạch kinh doanh có lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững như môi trường, chống biến đổi khí hậu, an sinh xã hội. Đặc biệt, sau khi nhận hỗ trợ, doanh thu của tất cả 31 SIB đều phục hồi và tăng trưởng so năm 2021, SIB có doanh thu tăng cao nhất lên tới 19 lần so cùng kỳ năm 2021; có 2 SIB đã tiếp cận được nguồn tài chính mới từ các nhà đầu tư với hơn tổng giá trị hơn 18 tỷ đồng và 3 SIB thành công xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường quốc tế”.

30 SIB hoạt động đa dạng từ sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với phương pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cho đến sử dụng công nghệ mới để tạo việc làm thỏa đáng cho người khuyết tật và thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Giải quyết vấn đề sức khỏe của người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu, điều này có thể nhận thấy rõ qua các SIB tập trung vào chăm sóc sức khỏe cho các nhóm dễ bị tổn thương hoặc áp dụng công nghệ hỗ trợ làm sạch không khí và giúp môi trường trong lành hơn”. Ba đơn vị ươm tạo - BizCare, Wise, và Angle4Us - sẽ làm việc cùng sẽ làm việc cùng với các SIB để hỗ trợ hoàn thiện mô hình kinh doanh và phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch.

“Những nỗ lực tận tâm của SIB đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các khoảng cách xã hội và môi trường, tạo ra tác động tích cực ở Việt Nam. Khu vực SIB đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể, tạo cơ hội việc làm cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và bị lề hóa, thúc đẩy phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị cho hàng hóa chính hãng và tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, cùng nhiều nỗ lực khác đã được công nhận trên toàn cầu. Mỗi nỗ lực này đóng vai trò như một nguồn cảm hứng! Chúng tôi tin tưởng rằng các SIB sẽ trở thành tác nhân thành công tạo nên sự thay đổi, không chỉ cho chính họ mà còn cho cộng đồng và quốc gia”, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho biết.

Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi chúc mừng các SIB đã được lựa chọn và bày tỏ hy vọng rằng họ sẽ tận dụng tối đa lợi ích của chương trình để phát triển và hoàn thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình. “Chúng tôi tin rằng chương trình này sẽ cung cấp kịp thời hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết để giúp SIB xác định các giải pháp phục hồi kinh tế và tăng trưởng trong tương lai”, bà chia sẻ.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Canada nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái kinh doanh có tác động xã hội sôi động ở Việt Nam, một hệ sinh thái ưu tiên phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình thiết kế, lãnh đạo và mang lại lợi ích.

Với sự hỗ trợ của dự án, hy vọng rằng các sản phẩm và các mô hình kinh doanh mới được thử nghiệm đủ sáng tạo, bền vững, có khả năng mở rộng và phù hợp để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Đồng thời, các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ dự án sẽ trở thành những tác nhân chính xây dựng và phát triển Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam.

Chương trình đồng hành khôi phục sau Covid-19 năm 2023”được triển khai dựa trên thành công của Chương trình năm 2022, đây là chương trình đã hỗ trợ cho 31 SIB trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch đến từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kết quả là 100% SIB đã có thể phát triển thành công các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, duy trì hoặc tăng doanh thu, trong đó một số SIB có doanh thu đạt mức cao nhất là tăng 19 lần so cùng kỳ năm 2021.

Các SIB tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn đặc biệt là đối với phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. Trong chương trình kéo dài 6 tháng, 2 SIB đã huy động được tổng cộng 18 tỷ đồng Việt Nam (hơn 760.000 USD), và ít nhất 3 SIB đã chính thức xuất khẩu sản phẩm của họ ra nước ngoài, tiếp tục nâng cao tốc độ tăng trưởng và tác động của họ...