Tài chính số thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế

NDO - Sáng 23/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Châu Á, Mastercard cùng sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia phối hợp tổ chức tọa đàm “Tăng cường tài chính số - Thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm nhằm tăng cường nhận thức về ý nghĩa của tài chính số trong thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện ở Việt Nam thông qua chia sẻ kết quả triển khai dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án Mobile Banking).

Đồng thời, tọa đàm cũng chia sẻ kinh nghiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giúp khách hàng, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa từng bước tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động, góp phần thay đổi thói quen, tư duy của người dân nghèo, người yếu thế, nhất là phụ nữ khi còn e ngại tiếp cận sử dụng các ứng dụng công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số.

Tăng cường tài chính số

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ngân hàng Nhà nước) Tô Huy Vũ cho biết: tài chính toàn diện – được hiểu là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý – được đặt ra ở cấp độ toàn cầu như một trụ cột quan trọng để hướng tới mô hình tăng trưởng bao trùm bền vững.

Tài chính số thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế ảnh 1

Cung cấp dịch vụ tài chính số cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của kỷ nguyên số đã tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, tài chính số càng cho thấy tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện và hiệu quả, nhất là thời điểm giãn cách xã hội, thông qua các nền tảng số như thiết bị di động, mạng internet, thẻ liên kết với các hệ thống thanh toán số,… mà không cần đến tiền mặt cũng như các điểm giao dịch ngân hàng truyền thống.

Ở Việt Nam, kết quả phát triển tài chính số là một trong những thành công của chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ.

Năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị; 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng trong đó khoảng gần 11 triệu thẻ ngân hàng và 12 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động; Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ hơn 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

“Tuy nhiên, dù nhiều kết quả đáng khích lệ đã đạt được nhờ có tài chính số, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra và cần có biện pháp củng cố như vấn đề về quản lý, giám sát, bảo mật, minh bạch thông tin, an toàn hệ thống, chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng như niềm tin, hiểu biết, năng lực của khách hàng vào hệ thống tài chính–ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng tài chính để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện số mang lại”, ông Tô Huy Vũ nhấn mạnh.

Tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế

Ngân hàng Chính sách xã hội là một định chế tài chính công thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ cho các đối tượng chính sách. Những kết quả trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tính đến hết tháng 4/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 299.630 tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ.

Tài chính số thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế ảnh 3

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hoàng Minh Tế phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hoàng Minh Tế: Trong kỷ nguyên số, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có những quyết sách để giúp khách hàng của mình là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là phụ nữ từng bước tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động.

Với sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Quỹ Châu Á, Mastercard và các đối tác công nghệ, dự án Mobile Banking đã thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển thành công nền tảng tài chính số phù hợp với các đối tượng phục vụ của mình.

Quá trình triển khai các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động bắt đầu từ việc triển khai dịch vụ tin nhắn SMS cho khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp đó là thí điểm triển khai Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách dành cho những người làm công tác quản lý tín dụng chính sách và Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; và gần đây nhất là Ứng dụng VBSP SmartBanking.

Kết quả cụ thể: đối với dịch vụ tin nhắn SMS: sau gần 4 năm triển khai dịch vụ, tính đến tháng 6/2022, đã có gần 32 triệu tin nhắn được gửi thành công đến gần 5,9 triệu khách hàng có đăng ký số điện thoại di động với Ngân hàng (chiếm 90% tổng số khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội).

Đối với khách hàng, nhận tin nhắn thông báo 1 tháng trước ngày trả nợ và đóng tiết kiệm đã giúp họ chủ động hơn và lập kế hoạch tốt hơn trong quản lý và tài chính và tiết kiệm.

Trong khi đó, sau gần 2 năm triển khai, đến nay, ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đã có 47.786 người/26 tỉnh, thành phố dùng, trong đó có hơn 25.759 là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.

Ứng dụng này đều dễ dàng tải xuống qua điện thoại thông minh, cho phép cán bộ các tổ chức chính trị-xã hội, Ban đại diện, Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, Trưởng thôn, cán bộ giảm nghèo của địa phương có thông tin kịp thời và thực hiện hiệu quả hơn các nghiệp vụ trong quy trình cho vay và quản lý tín dụng chính sách.

Còn đối với ứng dụng VBSP Smartbanking: đến nay, sau gần 3 tháng triển khai đã có 75 nghìn tài khoản, phát sinh hơn 642 nghìn giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng.

Ứng dụng VBSP SmartBanking bước đầu hứa hẹn các tác động tích cực, giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa với các dịch vụ tài chính đa dạng và hiệu quả, góp phần kết nối người dân ở các địa bàn của Ngân hàng Chính sách xã hội với nền kinh tế số.